Ông lão đi tìm dấu tích người tiền sử

(PLO) - Hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Thế Vinh (SN 1954, ngụ thôn 6, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đã lặn lội khắp các khe suối, đỉnh núi để nhặt những viên đá có hình dạng kỳ lạ.
Ông Vinh bên một số viên đá được đánh giá là đồ dùng của người tiền sử
 Ông Vinh bên một số viên đá được đánh giá là đồ dùng của người tiền sử  
Cứ nghĩ ông “chập cheng”, nào ngờ năm 2006, chuyên gia trong ngành khảo cổ tới tham quan đều nhận định, đó là những cổ vật quý giá thuộc thời kỳ đồ đá mới, có niên đại khoảng 3.500 đến 4.000 năm. 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống chơi đồ cổ, ông Vinh đã tích luỹ được chút kinh nghiệm và hiểu biết về những đồ vật xa xưa qua câu chuyện của cha, chú và những thế hệ đi trước. 
Đầu năm 2003, ông đưa vợ con từ Đồng Nai lên Đắk Nông lập nghiệp. Tại vùng đất mới, ông được một người bạn thời quân ngũ giúp đỡ, cho vay vốn mua đất làm ăn. Trong những lần cuốc đất khai hoang, ông tình cờ phát hiện nhiều mẩu đá nhỏ, có hình dạng kỳ lạ, được chôn vùi dưới độ sâu khoảng 50 - 70cm. 
Bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình, ông Vinh phỏng đoán đây là những cổ vật của người tiền sử để lại nên đem về cất giữ cẩn thận.
Càng cuốc nhiều đất, ông càng lượm nhặt được nhiều mẩu đá lạ. Nghĩ rằng vùng đất mình đang sinh cơ lập nghiệp có thể là nơi người tiền sử từng sinh sống và để lại kho đồ cổ có giá trị văn hoá lớn, ông Vinh bắt đầu mơ mộng về một bảo tàng đồ đá cổ cho riêng mình. 
Để chắc chắn hơn, ông đem theo mẫu vật, lặn lội xuống TP.HCM, ra Hà Nội để gặp gỡ một số nhà nghiên cứu, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành khảo cổ nhờ họ phân tích, đánh giá. Sau đó, ông xin tài liệu về nhà tự nghiên cứu thêm. 
Qua lời chỉ dẫn của các chuyên gia cùng việc đọc sách, báo, tài liệu, ông Vinh đã định hình được hầu hết về hình dạng các loại đồ đá cũ của người tiền sử trong đầu mình.
Khi đã biết chắc những mẩu vật mình lượm về là đồ đá của người tiền sử, ông Vinh không quản mưa nắng, ngày ngày quẩy ba lô, mang theo cơm nước và chiếc cuốc, trèo đèo, lội suối rong ruổi truy tìm cổ vật. 
Hơn 10 năm miệt mài tìm kiếm, với niềm đam mê cháy bỏng, khao khát lưu giữ, bảo tồn nét văn hoá của cha ông, người cựu chiến binh đã mang về nhà hàng ngàn mẫu hiện vật gồm rìu, cuốc, bàn mài, đàn, vòng đeo tay, mũi khoan, mảnh tước…tất cả đều bằng đá. Trong căn nhà gỗ chật hẹp, ông Vinh thiết kế một gác xếp phân loại, cất các mẩu đá và coi như những “báu vật”.
Hai cổ vật có kích thước lớn nhất mà ông Vinh nhặt được là bộ đàn và con rùa đá. Theo lời ông, cả hai đồ vật này đều có niên đại khoảng 4000 năm trở về trước. Mỗi lần địa phương có lễ hội truyền thống, cán bộ đều tới mượn bộ đàn của ông để đem đi trưng bày, biểu diễn.  
Vì đam mê, khát khao tìm hiểu nét văn hoá của người xưa trên từng mảnh đá, ông Vinh đã phải hy sinh nhiều. Ngoài công việc đồng áng bị đình trệ, người thân, bà con đều cho rằng ông bị “khùng”, ngày nào cũng đi lượm những thứ vô tri, không có giá trị kinh tế về nâng niu, cất giữ đầy nhà. 
Ông tâm sự: “Đó là thú vui, đam mê của tôi. Suốt một thời gian dài, thấy việc làm của tôi “vô nghĩa”, vợ con, chòm xóm đều góp ý, khuyên tôi nên lo làm ăn, đừng phí công đi tìm đá, nhiều người còn gọi tôi là “khùng””.
Trước sở thích lạ đời của chồng, nhiều lần bà Trần Thị Thơm (SN 1960, vợ ông Vinh) tìm cách ngăn cản, bắt chồng phải ở nhà làm rẫy, lo cho cuộc sống gia đình. Sau này hiểu chuyện, bà lại góp phần công sức bổ sung bộ sưu tập đá cổ của chồng.
Người vợ chia sẻ: “Mỗi lần nghe chồng nói về giá trị văn hoá của đồ đá, về đam mê, tôi lại mủi lòng. Những lần cuốc đất, nhặt được mẩu đá cổ nào, tôi lại cất giữ cẩn thận đem về cho chồng”. 
Đối với ông Vinh, việc tình cờ phát hiện đá cổ trên vùng đất đang sinh cơ lập nghiệp là một may mắn, ông coi đó như là “duyên”. Thời gian gần đây, tuổi tác đã cao, sức khoẻ yếu, ông không còn đi được xa, cũng không đi nhiều như trước, chỉ tranh thủ những ngày mưa gió không làm việc được mới quẩy ba lô lên đường.  
Trước thông tin về lão nông sưu tầm được nhiều đồ đá cổ, năm 2006, đoàn khảo sát có sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam và một số cán bộ của Viện Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã đến tham quan và đưa ra nhận định, bộ sưu tập của ông Vinh là những hiện vật có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 đến 4.000 năm, thuộc thời kỳ hậu kỳ đồ đá mới. 
Căn cứ vào những hiện vật ông Vinh thu thập được, nhất là mật độ và phạm vi xuất hiện của chúng, Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối nhận định có thể vùng này là một xưởng chế tạo công cụ lao động đồ đá và trang sức của người tiền sử.
Khi được sự ghi nhận của các chuyên gia trong ngành khảo cổ, ông Vinh vui mừng mơ mộng: 
“Tôi muốn thành lập một phòng trưng bày cổ vật cho riêng mình. Nếu sau này có điều kiện, tôi sẽ trở về Đồng Nai, thành lập phòng trưng bày ở nhà riêng của mình. Ở đó, nhà tôi vừa gần trường học, vừa gần chợ nên tôi sẽ có nhiều cơ hội giới thiệu nền văn hoá cổ qua đồ đá tới bà con và học sinh”. 
Trao đổi với PL&TĐ về những việc làm của ông Vinh, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch xã Nhân Cơ, cho biết: “Những cổ vật bằng đá, gốm của ông đã được Viện Bảo tàng tỉnh cùng một số chuyên gia trong ngành khảo cổ học về tận nơi tham quan, ghi nhận là có giá trị. Tuy nhiên UBND xã chưa đủ kinh phí để hỗ trợ cho ông trong công tác tìm tòi, sưu tầm cổ vật. Địa phương mong muốn các ban ngành liên quan, những chuyên gia trong ngành khảo cổ, Viện Bảo tàng tỉnh… tham gia nghiên cứu, tìm cách tốt hơn để bảo quản những cổ vật ông Vinh đã sưu tập được”./.

Đọc thêm