Không có lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn thảm khốc làm 4 người thương vong nhưng tài xế xe tải có mặt tại hiện trường vụ tai nạn lại bị truy tố về tội “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Khoảng 19 giờ 30 tối ngày 31/3/2012, xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc khiến 4 người bị thương vong tại vị trí gần km số 9 đường tỉnh lộ 390 thuộc địa phận huyện Thanh Hà (Hải Dương). Lúc đó, trên đoạn đường này có xe ô tô BKS 34C-00512 chở xi măng do anh Bùi Đình Hà điều khiển hướng từ Cầu Hương đi Chợ Cháy.
Trước mặt xe ô tô này là một xe máy đi ngược chiều do ông Trần Doãn Đính điều khiển; cùng lúc đó, một xe máy khác đi cùng chiều với ô tô - do anh Ngô Đức Công điều khiển - vượt bên trái xe ô tô của anh Bùi Đình Hà. Khi xe của anh Công vượt qua đầu ô tô thì gặp xe máy của ông Tính và hai xe đã “đấu đầu” vào nhau.
Cú tông mạnh bất ngờ khiến phần đầu 2 xe máy biến dạng, hai xe văng về hai phía, cách nhau gần 7m. Trong số 4 người ngồi trên 2 máy, chỉ duy nhất ông Nguyễn Đức Hiệp may mắn sống sót trong tình trạng bị thương nặng.
Hai người chạy xe máy đã tử vong nên không còn bị xem xét trách nhiệm; riêng người bị CQĐT huyện Thanh Hà khởi tố để quy kết trách nhiệm lại chính là lái xe ô tô Bùi Đình Hà. Theo cáo trạng của VKSND huyện Thanh Hà, anh Hà đã có lỗi gây ra tai nạn vì đã không điều khiển phương tiện đi đúng phần đường, không giảm tốc độ để tránh xe đi ngược chiều nên đã “va chạm” vào đuôi xe máy của anh Công lúc đó đi cùng chiều và vượt bên trái xe ô tô, làm chiếc xe này đâm phải xe ngược chiều.
Cơ quan điều tra và VKSND huyện Thanh Hà căn cứ vào biên bản khám nghiệm phương tiện, có dấu vết va chạm giữa ô tô của anh Hà với xe máy của anh Công từ đó kết luận, ô tô do anh Hà điều khiển đã “đẩy” xe máy của anh Công đâm vào xe máy của ông Đính, gây ra vụ va chạm.
Tuy nhiên, kết luận trên của các cơ quan tố tụng rất… khó tin; hơn nữa, trong kết luận điều tra và cáo trạng, các cơ quan này đã không làm rõ nhiều tình tiết quan trọng của vụ án. Thứ nhất, lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn thuộc về ai? Thứ hai, cơ chế “va chạm” giữa ô tô của anh Hà và xe máy của anh Công như thế nào khiến cho xe máy của anh Công có thể đâm vào xe máy của ông Đính với cú đâm cực mạnh như vậy?
Theo Luật sư Chu Đông, trong một vụ tai nạn giao thông, để xác định trách nhiệm hình sự của người tham gia giao thông, cần phải xác định lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn. Trong vụ án này, hai xe máy “đấu đầu” liệu có phải do lỗi của ô tô? Theo bản cáo trạng, anh Hà chỉ không đi đúng phần đường chứ không gây ra tai nạn mà lỗi gây ra tai nạn là do hai xe máy. Cơ quan tố tụng đã bỏ qua việc chứng minh lỗi của hai xe máy, quy chụp lỗi cho người điều khiển ô tô nên đã dẫn đến một vụ án phi lý “xe máy đâm nhau, ô tô bị truy tố”.
Luật sư Trần Văn Toàn thì phân tích, nhìn vào mô tả hiện trường, ô tô của anh Hà được cho là đi lấn sang phần của xe đi ngược chiều. Như vậy, đương nhiên chiếc xe máy do anh Công điều khiển vượt bên trái xe của anh Hà phải đi hẳn sang làn của xe đi ngược chiều. Lái xe máy đã không quan sát xe đi ngược chiều khi tăng tốc vượt ô tô nên khi vừa vượt qua xe ô tô của anh Hà, đã “đấu đầu” với xe máy ngược chiều của ông Đính, là nguyên nhân chính dẫn đến vụ va chạm thảm khốc.
Về việc CQĐT, VKS quy kết xe của anh Hà “đâm vào đít” xe của anh Công, theo các luật sư, là một lập luận hết sức vô lý. Vì, khi vượt ô tô, anh Công phải điều khiển xe máy đi với tốc độ cao hơn tốc độ của ô tô; khi hai xe đi cùng chiều, xe đi chậm hơn không thể “đâm vào đít” xe đi nhanh hơn là quy luật vật lý không cần phải chứng minh. Thế mà, các cơ quan tố tụng huyện Thanh Hà lại kết luận, xe đi chậm đâm vào phần sau xe đi nhanh thì đúng là một kết luận “vô tiền khoáng hậu”. Để chứng minh được kết luận đi ngược lại quy luật vật lý đã được khẳng định này, theo các luật sư thì CQĐT và VKS buộc phải cho thực nghiệm điều tra.
Việc căn cứ vào dấu vết va chạm để kết luận xe ô tô va chạm vào phần đuôi xe máy và đẩy xe máy đâm vào xe đi ngược chiều không chỉ ngược quy luật vật lý mà cũng không chắc chắn trong việc xác định lỗi của anh Hà do chưa xác định được thời điểm hai phương tiện này “va chạm” với nhau trước hay sau khi hai xe máy có cú đấu đầu thảm khốc. Do vậy, những lời buộc tội trong bản cáo trạng của VKS huyện Thanh Hà rất khó thuyết phục khiến bị cáo có thể bị hàm oan.
Luật sư Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng Cáo trạng mô tả bị cáo Hà đâm vào phía sau đuôi xe bên phải (cụm đèn phanh) xe máy của anh Công, đẩy xe máy của anh Công “đấu đầu” với xe máy của ông Đính khiến 2 xe đổ ra đường cũng không hợp lý. Bởi lẽ, nếu xe ô tô đâm vào đuôi xe bên phải thì theo quán tính xe máy sẽ bị xoay chiều và đầu xe phải quay vuông góc với hướng đi của xe chứ không thể tiếp tục di chuyển rồi đâm vào xe đi ngược chiều. Nhưng điều này cũng rất khó có thể xảy ra vì xe ô tô không thể đâm vào đuôi xe máy đi cùng chiều trong khi xe máy đi với tốc độ cao hơn nhiều. |
Bình Minh