Xem xét vụ chạy án ở Yên Bình

Sau khi biết việc “vòi” tiền bị bại lộ, VKSND huyện Yên Bình đã ra quyết định áp giải bị can. Còn VKSNDTC hứa sẽ xem xét vấn đề “chạy án” trong vụ án trên.

Sau khi biết việc “vòi” tiền bị bại lộ, VKSND huyện Yên Bình đã ra quyết định áp giải bị can. Còn VKSNDTC hứa sẽ xem xét vấn đề “chạy án” trong vụ án trên.

Tổn hại 35% sức khỏe: do bị đánh hay tự gây nên?

Sau khi bà Thinh có đơn tố cáo hành vi “vòi” tiền của VKSND huyện Yên Bình tới TANDTC, ngày 26/2/2010, VKSND huyện Yên Bình đã ra Quyết định số 01/KSĐT-TA áp giải bị can Trần Cao Hải đến trụ sở của cơ quan này. Điều đáng nói, tại quyết định này, VKSND huyện Yên Bình lại căn cứ vào Quyết định khởi tố bị can số 56 ngày 26/8/2008 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Bình. Trong khi trước đó, VKSND huyện cũng căn cứ vào quyết định này để ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Hải.

Điều hết sức khó hiểu là tại bản kết luận điều tra, CQĐT Công an huyện Yên Bình cho rằng Hải đã dùng sống dao đập vào ngang sườn trái của anh Quang gây vỡ lách (tổn hại sức khỏe sau cắt lách là 31%). Nhưng tại quyết định đình chỉ vụ án, thông tin mà VKSND huyện Yên Bình đưa ra hoàn toàn đảo ngược so với kết quả điều tra của Cơ quan công an. Theo VKSND huyện này thì Hải đã dùng dao chém vào vùng trán của anh Quang, gây thương tích 2% sức khỏe (kết luận của Cơ quan Công an là 6%). Sau khi bị chém, anh Quang giật được dao của Hải và bỏ chạy. Trên đường bỏ chạy, Quang đã bị vấp ngã và đập vùng mạng sườn trái vào một cây gỗ bên đường làm vỡ lá lách, tự gây nên thương tích cho mình là 35% sức khỏe.

VKSND huyện Yên Bình cũng cho biết: thương tích dẫn đến thiệt hại 35% sức khỏe của Bùi Đức Quang, Hải không phải chịu trách nhiệm hình sự bởi không phải do Hải gây nên. Hơn nữa, do anh Quang đã có đơn xin rút yêu cầu khởi tố về hình sự đối với bị can Hải nên cơ quan này đã ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can đối với Hải.  Với hai văn bản trên, nhiều người hoài nghi về tính khách quan cũng như độ xác thực của vụ việc.

Nhầm lẫn tai hại

Dư luận càng hoài nghi hơn về độ am hiểu pháp luật của một số cán bộ làm công tác pháp luật huyện Yên Bình. Đó là Lệnh bắt bị can để tạm giam số 01 ngày 8/4/2010 của VKSND huyện Yên Bình ghi: “Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 41 ngày 26/8/2008 và Quyết định khởi tố bị can số 56 ngày 26/8/2008 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Bình đối với bị can Hải về tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 202 BLHS. Nhưng đối chiếu với BLHS thì Điều 202 quy định về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Một vụ án không có gì phức tạp nhưng có quá nhiều khuất tất. Điều này cho thấy trình độ nghiệp vụ cũng như cách thức làm việc của một số cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng huyện Yên Bình là có vấn đề. Cho đến nay, sau khi có quyết định áp giải bị can Hải của VKSND huyện Yên Bình, vụ án vẫn chưa có tiến triển mới. Riêng số tiền trong phong bì mà một cán bộ VKSND huyện Yên Bình đưa cho bà Thinh (bà Thinh đã bàn giao cho các cán bộ VKSNDTC), đến nay vẫn chưa có hướng xử lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hồng - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (VKSNDTC) cho biết: Vụ việc này ông cũng nắm khá rõ. Tuy nhiên, vẫn phải chờ các cơ quan tố tụng huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái giải quyết xong vụ án Cố ý gây thương tích, lúc đó VKSNDTC mới xem xét đến vấn đề “chạy án”./.

“Nhà tôi nghèo, để có số tiền nộp cho VKSND huyện, tôi phải đi vay nặng lãi. Đến nay đã một năm rưỡi trôi qua mà các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý để tôi có tiền trả nợ” - bà Thinh than thở.

Nhóm PV

Đọc thêm