Xét xử lưu động: Đẩy mạnh tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm

(PLO) - Theo báo cáo công tác của Chánh án TANDTC về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thì trung bình hàng năm, các tòa án đã tổ chức khoảng trên 9.000 phiên tòa xét xử lưu động các vụ án hình sự.
Người dân đến chật kín sân vận động dự phiên xử lưu động vụ thảm sát Yên Bái
Người dân đến chật kín sân vận động dự phiên xử lưu động vụ thảm sát Yên Bái

Được coi là một hình thức tuyên truyền pháp luật sâu rộng trong nhân dân và răn đe tội phạm nên các phiên tòa lưu động sẽ được ngành Tòa án tăng cường triển khai và chú trọng thực hiện tốt. Và theo báo cáo công tác của các tòa án 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy số lượng các phiên tòa XXLĐ đã cao hơn cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, TANDTC chưa ban hành văn bản để hướng dẫn cụ thể về các căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định những loại vụ án nào (loại tội phạm nào) cần đưa ra XXLĐ. Nhưng trên thực tế, Tòa án thường lựa chọn những vụ án điểm, những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, các vụ án rất nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân như: Mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, giết người, vi phạm quy định về an toàn giao thông… để tổ chức XXLĐ.

Ngoài những tiêu chí lựa chọn trên, theo một số thẩm phán, để đảm bảo sự thành công, hiệu quả của phiên tòa lưu động thì thông thường, Chủ tọa phiên tòa sẽ có thêm một số tiêu chí để lựa chọn như: những vụ án mà tình tiết đơn giản, bị cáo thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, có ít đương sự được triệu tập, việc dẫn giải (hoặc triệu tập bị cáo tại ngoại đến tòa) thuận lợi… 

Địa điểm mở phiên tòa để XXLĐ thường là ở nơi xảy ra vụ án hoặc nơi bị cáo thường trú, tạm trú và có điều kiện thuận tiện để tổ chức phiên tòa (như nhà văn hóa, sân vận động; hội trường UBND xã… là những nơi thuận lợi về giao thông, đảm bảo an ninh trật tự và tính tôn nghiêm của phiên tòa).

Đánh giá cao hiệu quả trong việc tuyên truyền pháp luật và răn đe tội phạm, nâng cao tính công khai, dân chủ trong hoạt động XXLĐ nhưng một số thẩm phán cũng cho rằng, các phiên XXLĐ có nhiều áp lực hơn đối với những người “cầm cân nảy mực”.

Điều này đòi hỏi lãnh đạo Tòa, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa hết sức thận trọng khi lựa chọn phiên tòa XXLĐ, đáp ứng được mục tiêu. Ngoài ra Tòa án cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, chính quyền địa phương, cảnh sát hỗ trợ tư pháp… trong việc lựa chọn, tổ chức XXLĐ vụ án để đảm bảo yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, chính xác và an toàn an ninh, trật tự.

Trong khi nhiều người ủng hộ việc tăng cường tổ chức các phiên tòa lưu động thì một số chuyên gia lại có ý kiến ngược lại bởi thực tế đã xuất hiện một số bất cập và có “tác dụng ngược”, đơn cử như vụ việc một bị cáo ở Quảng Nam (bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản, được tại ngoại) đã tử tự vì thấy xấu hổ khi bị đưa XXLĐ.

Từ thực tế này đã đặt ra vấn đề, việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người dân nếu xét từ khía cạnh phẩm giá con người có thể sẽ không được đảm bảo. Và Điều 7 của Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định: “Công dân có quyền được bảo hộ về danh sự, nhân phẩm… mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm đều bị xử lý theo quy định”.

Như vậy, tính đến thời điểm sau khi tuyên án sơ thẩm thì bị cáo vẫn được xem là chưa có tội. Do đó, các quyền công dân của bị cáo phải được tôn trọng và đảm bảo, trong đó có quyền được tôn trọng về danh dự và nhân phẩm.

Thực tế, khi XXLĐ, đôi khi Tòa án chỉ mới quan tâm đến mục đích răn đe, cảnh báo chung mà chưa quan tâm đến danh dự, uy tín của bị cáo và thân nhân gia đình họ. Trường hợp phạm tội do lầm lỡ mà bị XXLĐ sẽ gây thêm sự ác cảm từ cộng đồng và sự mặc cảm từ bản thân bị cáo, đó là rào cản trong việc tái hòa nhập cộng đồng.

Ngược lại, đối với những trường hợp phạm tội do bản tính côn đồ, coi thường pháp luật thì việc XXLĐ sẽ làm tăng thêm tính lỳ lợm, ngông cuồng, với tâm lý không còn gì để mất người phạm tội rất có thể sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn. 

Đọc thêm