99% nhựa được sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Break Free From Plastic, hơn 99% nhựa được sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch. Ước tính, quá trình nhiên liệu hoá thạch được vận chuyển và sử dụng để làm ra nhựa phát thải ra khoảng 108 triệu tấn khí nhà kính (KNK) mỗi năm. Sau khi trở thành chất thải, nhựa chủ yếu được chôn lấp hoặc đốt – cả hai quá trình này đều tạo ra lượng KNK đáng kể.
Nếu vẫn giữ tốc độ sản xuất nhựa như hiện nay, để giải quyết việc lượng KNK tích tụ sẽ tiêu tốn 10-13% toàn bộ ngân sách carbon còn lại của thế giới. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng hơn 50% ngân sách carbon toàn cầu đến năm 2100.
Đáng nói, các tập đoàn lớn nằm trong những nguyên nhân chính về phát thải KNK. Đơn cử, chỉ nói đến số lượng lớn các bao bì nhựa dùng một lần được sản xuất ra hàng năm cũng đã góp phần “bơm” một lượng lớn khí thải CO2 vào bầu khí quyển. Trong top 10 công ty gây ô nhiễm nhựa hàng đầu năm 2021 kể ra: Coca-Cola, PepsiCo, Unilever, Nestlé, Procter & Gamble, Mondelēz International, Philip Morris International, Danone, Mars, Inc., và Colgate-Palmolive.
Đây là năm thứ tư liên tiếp, Coca-Cola tiếp tục đứng đầu với tư cách là Nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới. Năm 2020, Coca-Cola sản xuất ra 2,9 triệu tấn nhựa, tương ứng với đó là 14,9 triệu tấn khí thải CO2 – tương đương với 3,2 triệu phương tiện giao thông hoạt động trong một năm.
Cũng theo báo cáo này, chi phí thu gom, phân loại, xử lý và tái chế lượng rác thải nhựa khổng lồ trên toàn cầu tính riêng trong năm 2019 là hơn 32 tỷ USD – gần bằng doanh thu năm 2020 của Coca-Cola. Nhưng so với chi phí xử lý KNK trong suốt vòng đời của nhựa thì còn quá ít ỏi – 171 tỷ USD. Tính đến năm 2040, chi phí xã hội phải chi trả cho quá trình sản xuất nhựa ước đạt tới 7,1 nghìn tỷ USD.
Sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), 197 quốc gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Các nhà lãnh đạo thế giới đều đã đồng ý với mốc thời hạn năm 2030, thế giới đạt mục tiêu giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và giảm về mức 0 vào khoảng năm 2050. Trong “cuộc đua về 0”, không chỉ cần các cam kết của chính phủ mà giới doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn, cũng phải chịu trách nhiệm và chủ động giảm thiểu sản xuất nhựa và phát thải KNK.
Hội nghị COP26 thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Ảnh: Reuters |
Khối doanh nghiệp xả thải nhựa nhiều nhất
Đáng chú ý, vấn đề tương tự cũng đang xảy ra ở Việt Nam. Theo báo cáo “Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do IFC và Ngân hàng Thế giới vừa công bố, mỗi năm, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế. Do vậy, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phát huy được vai trò của mình. Mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF Việt Nam) đã thực hiện một cuộc điều tra trên một số tỉnh thành của Việt Nam, như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Rạch Giá, TP.HCM, Phú Yên…, nhằm tìm hiểu các nguyên nhân khiến tình trạng rác thải nhựa gia tăng và tìm ra giải pháp giải quyết gốc rễ của vấn đề này. Các hoạt động này nằm trong sáng kiến Đô thị giảm nhựa được triển khai ở cấp toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Kết quả cho thấy, tại Quảng Ninh, mỗi ngày có khoảng 23,02 tấn rác thải nhựa có thể thất thoát ra môi trường, tương đương 10.3% tổng chất thải phát sinh, tỷ lệ tái chế nhựa là 24%. Tại TP.HCM, ước tổng lượng rác thải nhựa có thể bị thất thoát ra môi trường là 203 tấn/ngày, tương đương 11.3% tổng lượng rác thải nhựa phát sinh, tỷ lệ tái chế nhựa khoảng 26%. Ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) ước tính mỗi ngày có 4,5 tấn rác có thể bị thải ra môi trường, tương đương 12,6% tổng lượng rác thải nhựa phát sinh, tỷ lệ tái chế ước tính 28%.
Cuộc điều tra cũng cho biết, khu vực phát sinh rác thải nhựa nhiều nhất là nhóm doanh nghiệp, lượng rác thải trung bình vào khoảng 88l/ngày. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức độ phát thải khác nhau rõ rệt giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ thường chỉ thải 15 - 20l/ngày. Còn so với các hộ gia đình, trung bình một hộ thải ra khoảng 7,8l/ngày, trong đó các hộ gia đình ở đô thị thường xả nhiều hơn 25 - 30% so với các hộ gia đình ở khu vực ngoại thành hoặc nông thôn.
Từ đó cho thấy, mặc dù lượng rác thải nhựa rất lớn nhưng tỷ lệ tái chế nhựa ở Việt Nam còn rất thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương, khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hạn chế.
Dự án Đô thị giảm nhựa nhằm xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại một số tỉnh, thành phố. Ảnh: WWF Vietnam |
Thiếu cơ chế “hấp dẫn” doanh nghiệp?
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá, hiện nay đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Do vậy, khối nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa.
Có thể nói, quyết tâm của Việt Nam nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đã thể hiện trong nhiều chính sách đã ban hành mới đây. Đơn cử, năm 2019, chính phủ đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, trong đó giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Hưởng ứng phong trào, nhiều bộ, ngành, đơn vị tiên phong “nói không với rác thải nhựa”. Còn trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Theo đó, với 6 nhóm sản phẩm như: điện tử; pin-ắc quy; dầu nhớt; săm lốp; phương tiện giao thông; bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm từ năm đầu năm 2024, 2025 hoặc 2027 (tùy từng sản phẩm). Còn các sản phẩm như: thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; tã bỉm; thuốc lá; sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhựa, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện hỗ trợ xử lý chất thải từ đầu năm 2023.
Tuy nhiên, tuy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải ngày càng được hoàn thiện nhưng thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Đơn cử, dù có quy định nhưng vẫn chưa có chế tài rõ ràng để xử lý những công ty không thực hiện EPR. Trả lời báo chí, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho biết, EPR không phải công cụ vạn năng mà cần được kết hợp với các chính sách về quản lý chất thải khác như thu phí dựa theo khối lượng/trọng lượng rác thải theo quy định của của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Mặt khác, chất thải nhựa chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, nhưng lại chưa có quy định cụ thể để quản lý, nhất là loại nhựa dùng một lần. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia đồng tình rằng hệ thống chính sách hiện hành vẫn chưa đầy đủ để tạo động lực thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa. Ví dụ cụ thể là hiện nay vẫn chưa có cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm thay thế nhựa mà hầu hết dựa trên ý chí tự nguyện của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Như vậy, những sản phẩm thay thế hầu như không có khả năng cạnh tranh lâu dài với các sản phẩm từ nhựa.