[links()]Dù chưa có thống kê chính thức nhưng bên cạnh việc mất an ninh trật tự thì những thiệt hại về kinh tế, thất thu ngân sách, hậu quả môi trường từ vấn nạn “cát tặc” trên dọc tuyến Sông Lô là hết sức nghiêm trọng…
Bờ Sông Lô nhiều đoạn nham nhở vì nạn “cát tặc” |
“Xóa sổ” đất canh tác
Trước tình trạng khai thác cát sỏi tràn lan, dọc tuyến Sông Lô không khó để cảm nhận nhiều đoạn bờ bãi nham nhở vì máy cuốc ngày đêm đào bới khiến dòng sông Lô chuyển từ màu xanh sang đục ngầu, đỏ quạch. Cả một khúc sông ngày đêm gầm gừ tiếng tàu, máy qua lại.
Ông Hoàng Đức Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sông Lô cho hay, ngoài việc mất an ninh trật tự rất nghiêm trọng, việc khai thác cát sỏi, trái phép còn gây ra những hệ lụy khôn lường về môi trường, suy giảm cạn kiệt nguồn tài nguyên, nạn “cát tặc” gây sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng tuổi thọ kè bảo vệ đê, làm biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến sự an toàn của toàn tuyến đê Sông Lô và các khu vực giáp Sông Lô.
Vì thế, mới đây, UBND huyện Sông Lô đã phải có văn bản “cầu cứu” tới Sở NN&PTNT khi hạng mục xây dựng kè chống sạt lở bờ tả sông Lô đoạn từ K26+030 đến K26+160 thuộc Dự án xử lý cấp bách công trình đê điều tỉnh Vĩnh Phúc triển khai xây dựng tại xã Cao Phong bị sạt lở nghiêm trọng.
Liên quan đến vấn đề được Báo PLVN phản ánh, các ban ngành của tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc xử lý. Có 2 Công an huyện Sông Lô đã bị đình chỉ công tác, trong khi cơ quan quản lý trực tiếp về khoáng sản trên địa bàn là UBND huyện Sông Lô chưa có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. PLVN đã liên lạc với ông Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc để làm rõ quyết tâm của địa phương này trong việc dẹp bỏ vấn nạn “cát tặc” làm nhức nhối dư luận thời gian qua và chúng tôi sẽ trở lại khi có những thông tin mới. |
“Có nhiều đối tượng không được cấp phép cũng tổ chức khai thác trộm hoặc ngang nhiên tranh giành khai thác với đơn vị được cấp phép, mà chủ yếu là khai thác lấn vào bờ, gây nên tình trạng sạt lỡ đất canh tác của nhân dân, gây ra xung đột dẫn tới một số vụ nổ súng”- ông Dũng nói.
Cả xã Bạch Lưu có hơn 3.000 nhân khẩu. Tất cả các hộ dân đều có đất ở Soi, người dân ở đây quanh năm chỉ biết bám vào ruộng đồng và đất bãi Soi để canh tác 2 vụ/năm sinh sống. Nhưng tình trạng cát tặc khiến đất ven sông lở với tốc độ chóng mặt.
Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm đo đạc bản đồ Vĩnh Phúc, mức độ ảnh hưởng sạt lở đất canh tác do nạn khai thác cát bừa bãi là rất nghiêm trọng.
Cụ thể, tại khu vực mà 2 tàu cuốc khai thác trái phép (bị Bộ công an bắt giữ) ngày 21/11 có tổng diện tích bị sạt lở gần 5000 m2 đất chuyên màu.
Trong đó, đất nông nghiệp quỹ I giao cho người dân là 319 m2, đất nông nghiệp quỹ II do UBND xã Bạch Lưu quản lý là 4.614m2. Tiếp giáp với vị trí trên khoảng 100m về phía hạ lưu sông Lô, tổng diện tích ở đây cũng bị sạt lở hơn 1000m2, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp quỹ II do xã Bạch Lưu quản lý.
Cạn kiệt tài nguyên
Theo thống kê của cấp huyện, từ tháng 4 đến tháng 9/2012, mặc dù huy động hết lực lượng nhưng cơ quan chức năng cũng chỉ bắt được 14 trường hợp khai thác trái phép, xử lý hành chính thu nộp cho ngân sách 246 triệu đồng.
Đến nay, “mỏ” cát sỏi trên địa bàn huyện sắp cạn kiệt nhưng số tiền thu được cho ngân sách thì chẳng được là bao bởi vấn nạn khai thác lậu. Có một thực tế, “kho” cát quý như vàng ở huyện Sông Lô đã đang bị “cát tặc” khai thác tận diệt nhưng tiền chảy vào túi của một số cá nhân còn ngân sách và người dân địa phương hầu như chẳng được gì.
Tình trạng cát tặc ngày càng nóng và vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền cấp huyện, nên cuối tháng 11/2012, UBND huyện Sông Lô tiếp tục phát văn bản “kêu cứu” tới UBND tỉnh Vĩnh Phúc: “Đề nghị tỉnh quan tâm giúp đỡ huyện Sông Lô về lực lượng, phương tiện để kiểm tra, xử lý có hiệu quả đối với các trường hợp vi phạm khai thác cát sỏi trên Sông Lô.
Do địa hình là sông nước, các đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng bằng vũ khí nóng, gây nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý, UBND huyện không có đầy đủ lực lượng và phương tiện đáp ứng trong việc tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm” .
Không hiểu các cơ quan cấp tỉnh Vĩnh Phúc giúp đỡ thế nào mà độ nóng của cát tặc nơi đây không những không giảm mà còn diễn ra gay gắt, nghiêm trọng. Chỉ đến khi Bộ Công an lập chuyên án bắt giữ hàng loạt đối tượng thì dọc tuyến Sông Lô tình hình mới có dấu hiệu tạm yên.
Nhưng sự bình yên này liệu kéo dài được bao lâu thì người dân nơi đây và các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cũng không thể biết được, bởi như chúng tôi đã đề cập thì sau khi cát tặc bị truy quét, lại xuất hiện tình trạng một số cán bộ, công an địa phương mời cán bộ, nhân viên của một số cty được cấp phép khai thác cát lên làm việc lúc 3 giờ sáng và cấm sử đụng diện thoại, cấm liên hệ với lãnh đạo công ty?.
Đằng sau câu chuyện này là cái, thiết nghĩ các cơ chức năng Trung ương sớm "vào cuộc", làm rõ.
Tại Hội thảo “Tổ chức kiểm toán đối với các hoạt động quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản” do Kiểm toán Nhà nước và Hội Kế toán - công chứng Australia tổ chức mới đây, nhận định khai thác khoáng sản là lĩnh vực có tham nhũng nhiều "ngang ngửa" hoạt động quản lý đất đai. Khai thác khoáng sản trái phép, không phép xảy ra công khai; cấp phép thăm dò, khai thác ngoài vùng quy hoạch, không nộp tiền thuê đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực khai thác diễn ra phổ biến… Hàng loạt các loạt vấn đề tiêu cực, hạn chế trong hoạt động quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản đã diễn ra trong thời gian dài, đến mức biến sự “bất thường” thành ra như “bình thường”… |
Phi Hùng