Cho rằng Nhà máy chế biến quặng đa kim của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Hòa Bình THT xả chất độc hại ra môi trường, người dân ở xóm Rụt, xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã dựng barie chặn cổng nhà máy…
Theo người dân xóm Rụt, tháng 9/2011, nước thải tại nhà máy này tràn ra ngoài môi trường xung quanh. “Chẳng biết thế nào mà cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt ao, người dân hoang mang lắm”, một người dân cho hay. Sau sự việc này, thông tin nước thải làm cá chết, ô nhiễm môi trường cũng được người dân báo lên chính quyền địa phương.
Người dân dựng rào chắn cổng vào Nhà máy chế biến quặng đa kim |
Ngay sau đó, dù cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cho tiến hành kiểm tra từ thông tin phản ánh, nhưng lo ngại trước sự việc có thể tiếp diễn, người dân xóm Rụt đã lập barie chắn trước cổng nhà máy, làm tê liệt hoạt động của doanh nghiệp.
Quan sát của phóng viên, tại khu vực nhà máy chất thải ngổn ngang, chai lọ hóa chất vứt bừa bãi sát chân tường rào của nhà máy, hóa chất nồng nặc từ khu vực này bốc lên nồng nặc. Theo người dân, với khu bể chứa chất thải được xây dựng khá đơn giản, đều là các thùng đất đào, xung quanh đắp những bao cát ngăn chất thải… thì hiện tượng gây ô nhiễm môi trường hoàn toàn có thể xảy ra.
Người dân phản ánh, hiện tượng nhà máy tràn chất bùn thải trắng xóa cả vùng đất xung quanh, nhất là khu đất của Cty CP đầu tư xây dựng hạ tầng 248 (Hà Nội) thuê gần đó, giáp với hộ gia đình ông Hoàng Văn Liên. Nước bùn thải đổ ra, cây Atiso cũng không sống nổi. Nhiều cây ăn quả mấy năm trở lại đây không đậu quả, thậm chí con chó có hiện tượng đẻ con ra sau vài giờ bị chết hết.
Người dân nói rằng, thời điểm ô nhiễm lớn nhất là vào những ngày đầu tháng 9/2011, khi nhà máy hoạt động thì khói đen xả ra mù mịt, nhiều người dân làm gần khu vực nhà máy hít phải khí thải tối về ho ra máu …
Ngoài ra, lo sợ chất độc từ khu vực bể chứa chất thải thẩm thấu vào nguồn nước, nên nên mấy tháng qua nhiều người dân ở xóm Rụt phải đi mua nước ăn cách nhà hơn 1km. Theo bà Bà Hoàng Thị Cúc, các giếng nước của dân hiện giờ chỉ dùng vào việc rửa ráy, giặt giũ. Tuy nhiên, khi gặp sự phản ứng gay gắt, lãnh đạo nhà máy đã cho “phi tang” những vỏ chai hóa chất bằng cách vùi lấp đất lên. Nhiều bể chứa chất thải thô sơ cũng được doanh nghiệp san phẳng, không còn vết tích.
Điều đáng nói, nhà máy chế biến quặng đa kim này nằm ở vị trí giáp chân núi, mỗi khi mưa xuống chất thải chảy tràn ra sẽ đổ xuống các thùng lũng, ao cá và cánh đồng của người dân sinh sống gần nhà máy .
Theo kết luận của Thanh tra Sở TNMT tỉnh Hòa Bình, mặc dù doanh nghiệp có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên khi chạy thử nghiệm chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường theo như báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu của quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không báo cáo và gửi kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường và hồ sơ thiết kế chi tiết của các công trình xử lý môi trường; thải vào nước, đất các hóa chất độc hại, chất gây ô nhiễm ở thể rắn, bùn không đúng quy định. Kết luận cũng nói rằng doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố do chất thải nguy hại gây ra…
Với 176 hộ dân, xóm Rụt đang có gần 20 hộ nằm gần vị trí nhà máy của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Hòa Bình THT hoạt động.
Xác nhận với phóng viên, một cán bộ xã Tân Vinh cũng đưa ra con số “rất sốc”, rằng khu vực xóm Rụt bé nhỏ này hiện hiện nay có tới 7 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp khai thác đá chiếm đa phần.
Việt Hưng