Xôn xao bức ảnh hành lang một lớp ngoại ngữ, làm gì để 'gỡ' gánh nặng cho người già?

(PLVN) - Mới đây, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp cảnh hành lang chờ tại một lớp học của trung tâm ngoại ngữ, cho thấy không ít trong số những người đang ngồi chờ là các ông, bà cụ cao tuổi với gương mặt khá mệt mỏi. Bức ảnh đã gây ra một số tranh luận liên quan đến câu chuyện trách nhiệm, tình thương hay “gánh nặng” chăm cháu của một bộ phận không nhỏ người cao tuổi nước ta.
Không nên để việc trông cháu thành gánh nặng cho người cao tuổi. (Nguồn: LAP)

Khi trách nhiệm trở thành “gánh nặng”

Mặc dù những năm qua, xu hướng độc lập về cuộc sống, tài chính của người cao tuổi trong nước bắt đầu tăng lên, nhưng trên thực tế, mối ràng buộc về trách nhiệm gia đình, mối bận tâm chăm lo cho con cháu vẫn là “gánh nặng” của một bộ phận không nhỏ người cao tuổi. Họ vẫn tất bật “chăm con cho con” ở thời điểm mà đáng ra phải được nghỉ hưu, nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già.

Điều tra của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển công bố năm 2021 cho thấy, khoảng hơn 60% số người cao tuổi trong toàn quốc đang sống với ít nhất một người con ruột. Điều này có nghĩa, số người cao tuổi này phải tham gia vào việc chăm sóc cháu chắt là không thể tránh khỏi. Một khảo sát xã hội học năm 2023 cho thấy, để chăm sóc con cái, người cao tuổi mất từ 40 - 60% thời gian trong ngày.

Những công việc hàng ngày của nhiều người cao tuổi là đưa đón cháu đi học, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ, dỗ dành, chơi với cháu... Bản thân không ít bậc cha mẹ già, mặc dù mệt nhọc, bệnh tật vẫn không dứt mình ra khỏi tình thương và trách nhiệm, khiến nhiều ông bà không còn thời gian dành cho bản thân.

Cạnh đó, không ít người làm con cái vẫn mặc định ông bà cần có trách nhiệm trong việc trông cháu. Trên các diễn đàn về gia đình, người ta vẫn có thể đọc được những bài viết trách cứ của những người con vì “ông bà bỏ mặc cháu không lo” hay “ông bà không hỗ trợ gì để nuôi cháu dù ông bà khá giả, thời gian rảnh rỗi”. Thực ra, việc chăm cháu chỉ trở thành niềm vui, sự yêu thích của ông bà khi điều này xuất phát từ tinh thần tự nguyện hỗ trợ một phần của ông bà, đồng thời ông bà phải có đủ sức khỏe, cũng như thời gian dành cho chăm sóc bản thân.

Gỡ “gánh nặng” trên vai cha mẹ già

Nghiên cứu “Già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam” của Tổng cục Thống kê năm 2023 cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 16 triệu người cao tuổi, 35% số này có việc làm và thu nhập, còn lại là lao động tự do và làm việc nhà không được trả lương, trong đó có chăm sóc cháu.

Như đã nói, nhiều người vẫn cho rằng ông bà có trách nhiệm tham gia chăm sóc, thậm chí nuôi dưỡng cháu là chuyện đương nhiên. Có những gia đình, cha mẹ cao tuổi sống cùng con cái, vừa phải chăm sóc cháu, lại vừa phải “đóng góp” một phần hoặc cả lương hưu để làm sinh hoạt phí cho chính mình. Trong xã hội chúng ta cũng không thiếu những trường hợp con cái vô trách nhiệm, kết hôn, sinh con, rồi lại ly hôn, “quẳng” con cái cho bố mẹ nuôi dưỡng để đi tìm kiếm hạnh phúc mới. Thế nên mới có những cảnh đau lòng ông bà hết tuổi lao động, đau yếu vẫn phải còng lưng đi bán hàng rong, nhặt ve chai nuôi các cháu.

Pháp luật đã có nhiều quy định về việc bảo đảm sức khỏe, đời sống cho người cao tuổi, chăm sóc người cao tuổi ở nhiều phương diện, được quy định ở Luật Người cao tuổi cũng như nhiều văn bản, nghị định, pháp lệnh. Mới đây, tại Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam Lê Thành Long đã nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, điều này đặt ra thách thức cho các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc chăm sóc và bảo vệ quyền lợi cho người cao tuổi. Phó Thủ tướng đã đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Đồng thời, rà soát, tham mưu các chế độ, chính sách pháp luật về người cao tuổi và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế cuộc sống, đặc biệt đối với những vấn đề thuộc về lối sống, thói quen hành xử đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, liên quan đến tình cảm gia đình thì khá khó để xử lý. Nhiều trường hợp đứng ở ranh giới bóc lột, ngược đãi cha mẹ già, vi phạm pháp luật nhưng ngay cả người trong cuộc cũng không nhận diện được rõ ràng.

Để thay đổi triệt để tình trạng nói trên, để người cao tuổi có được những ngày tháng cuối đời thực sự thảnh thơi, sống có chất lượng, có lẽ cần đến hành lang pháp lý rõ ràng hơn trong các quy định về đối xử, chăm lo, phụ cấp… cho người cao tuổi; về quyền của người cao tuổi và nghĩa vụ cụ thể của con cháu.

Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức của các thế hệ con cháu cũng rất quan trọng. Các con cần thấu hiểu rằng bố mẹ đã hoàn thành trách nhiệm nuôi dạy mình và xứng đáng được sống an nhàn. Thay vì đẩy trách nhiệm nuôi dạy con cái cho ông bà, người trẻ nên sắp xếp thời gian để tự chăm sóc con mình, hoặc tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ nếu cần.

Đọc thêm