Xôn xao doanh nghiệp có vốn điều lệ 144 nghìn tỷ đồng: Không hiểu luật hay “nổ”?

(PLVN) - Sáng nay (26/2), cộng đồng tài chính xôn xao về thông tin xuất hiện một DN có vốn điều lệ đăng ký lên tới 144 nghìn tỷ đồng. Số vốn này vượt xa vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp - Viến thông quân đội (Viettel), của 4 ngân hàng thương mại nhà nước cộng lại và chỉ “thua” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)
Trụ sở chính của Công ty có vốn điều lệ 144 nghìn tỷ đồng (ảnh: Bizlive)

Theo Giấy Chứng nhận Đăng ký DN do Phàng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 17/1/2020, DN có vốn “khủng” này là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco.,JSC).

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN có vốn 144 nghìn tỷ đồng.

DN này có trụ sở tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, Việt Nam. Tên người đại diện theo pháp luật là Trần Gia Phong, sinh năm 1979. Nơi đăng ký hộ khẩu và chỗ ở hiện tại là: Cụm 3. Xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, Việt Nam

Thông tin trên cổng Đăng ký DN quốc gia cho thấy, đây là một DN đa ngành với hoạt động kinh doanh khá dàn trải, từ xây dựng cho đến lắp đặt, môi giới đấu giá hàng hoá, bán buôn đồ dùng gia đình, vận tải; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất… cho đến giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động bệnh viện. Trong đó, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất.

DN có 3 cổ đông sáng lập và đều là cá nhân. Cụ thể, cổ đông thứ nhất có tên Kim Thị Phương (địa chỉ tại Thị trấn Phùng, Đan Phương, TP Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn. Cổ đông thứ hai là Nguyễn Hoàn Sơn (địa chỉ tại Thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh; Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu là 40% vốn.

Và cổ đông thứ ba là Trần Gia Phong (địa chỉ tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) góp vốn 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn. Cổ đông này cũng là người đại diện theo pháp luật và giữ chức danh giám đốc của công ty. 

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO - nhận định, 99,99% là nhầm lẫn hay “nổ”, bởi kinh doanh bất động sản cũng chỉ cần 20 tỷ đồng, giả sử có cần nhiều vốn thì cũng tăng từ từ khi cần.

Đây là số vốn không tưởng đối với cá nhân. Giả sử có số tiền đó thì đem gửi ngân hàng lấy lãi, sau đó nộp thuế thu nhập 20% rồi chia cho cố đông, sau đó nộp thuế tiếp 5% nữa… Còn nếu cá nhân gửi tiền vào ngân hàng thì không phải  mất đồng thuế nào... ”- Luật sư Đức phân tích.

Luật sư Đức cho biết, theo quy định của Luật DN, phải 3 tháng sau mới cần nộp đủ tiền. “Có thể họ không hiểu Luật hoặc cứ đăng ký thế, 3 tháng sau không đủ họ có quyền đăng kỳ lại, thậm chí về còn 1 triệu đồng cũng được…”- Luật sư Đức khẳng định.

Vấn đề đặt ra, nếu DN “nổ” với số vốn điều lệ khủng đó  rồi sau đó có bị xử phạt không? Luật sư Đức khẳng định, đó là quyền của DN. 

Có 2 giai đoạn đăng ký vốn điều lệ hoàn toàn khác nhau, Khi mới thành lập, khai bao nhiêu cũng được, nhưng sau 3 tháng thì phải góp đủ, Còn trong quá trình hoạt động, thì phải góp đủ rồi mới được phép đăng ký tăng vốn. Do đó, DN chỉ bị phạt vi phạm khai khống sau khi thành lập…”- Luật sư giải thích.

Vốn điều lệ của một số Tập đoàn lớn 

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)  281.500 tỷ đồng 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam với vốn điều lệ là 191.113 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) 121.520 tỷ đồng;

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh  117.175 tỷ đồng

Đọc thêm