Đau ốm vẫn trồng rau
Cận tết, tôi xuống thăm xóm chạy thận Ngọc Hồi – Hà Nội. Thời tiết vẫn lạnh cắt da cắt thịt thế mà những thân hình tiều tụy, xanh xao vẫn đang tưới nước, che bạt cho những luống rau mầm xanh non. Ông Nguyễn Văn Thược, 64 tuổi, quê Hà Nam ở trọ chạy thận tại đây đã được 7 năm cho biết: “Trời mưa lạnh nên phải bảo vệ những luống rau cẩn thận, không nó sẽ bị giập nát và thối”.
Những bệnh nhân chạy thận ở đây đều thuộc diện hộ nghèo, nên được địa phương nơi thường trú cấp cho tấm thẻ bảo hiểm y tế. Mỗi lần chạy thận cũng được hỗ trợ kinh phí từ 80 - 95% , nhưng họ còn phải bỏ tiền mua thêm thuốc và bồi dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi sau mỗi lần chạy thận mới mong kéo dài thêm sự sống, nên thấp nhất mỗi tháng họ cũng phải trả thêm 3 - 4 triệu đồng nữa.
Trong khi gia đình các bệnh nhân chủ yếu làm nông chỉ trông chờ vào cây lúa, để có được khoản tiền hàng tháng điều trị không hề đơn giản, họ ở trọ trong những căn nhà cấp 4 ẩm thấp, lụp xụp, nhưng mỗi tháng cả điện nước họ cũng mất 700 đến 800 nghìn đồng tiền phòng. Từ khi có mô hình trồng rau mầm, mọi người trong xóm trọ đều vui mừng vì nhờ những luống rau mầm tươi non mà họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và điều trị bệnh nơi đất khách quê người.
Đang ở tuổi 20, căn bệnh quái ác đã khiến anh Lê Văn Khương (quê Hà Nam) trở thành một trong những bệnh nhân trẻ tuổi nhất xóm chạy thận. Gần 4 năm chạy thận, anh sụt gần chục cân, buồn chán và mệt mỏi, nhưng từ khi xóm trọ mở mô hình trồng rau, niềm vui từ cuộc sống đã trở lại.
Anh tâm sự: “Trước đây, ngoài những lúc chạy thận, về nhà lại thu mình trong căn phòng bé nhỏ đầy mùi thuốc, không biết làm gì, suốt ngày nghĩ đến số phận của mình đâm ra bi quan, chán nản. Nhưng nay, ngoài lúc điều trị bệnh, tôi lại ra chăm sóc vườn rau mầm. Nhìn những mầm non vươn lên xanh tốt, mang lại những mớ rau sạch cho mọi người, tôi cảm thấy vui vì còn làm được việc có ích cho đời. Ngoài ra, xóm đang mong muốn học cách làm các mặt hàng thủ công nữa để kiếm thêm thu nhập trang trải tiền thuốc men”.
Những mầm xanh hy vọng
Mô hình trồng rau mầm lan đến xóm chạy thận là nhờ các sư thầy chùa Phổ Ninh hướng dẫn. Ðể có những sọt rau bảo đảm chất lượng, những bệnh nhân nơi đây phải đi mua đất sạch hữu cơ với giá 50 ngàn đồng/1kg để gieo hạt, thay đất thường xuyên sau mỗi lần thu hoạch. Dù ốm đau liên miên, thời tiết mưa nắng thất thường nhưng cả xóm ai cũng cố gắng khắc phục, người che, kẻ đậy để những mầm non vươn lên xanh tốt.
Bà Lê Thị Thanh đang tưới nước cho những mầm rau mới nhú. |
Mỗi lứa rau cần 5-7 ngày để thu hoạch, giá bán 50 nghìn đồng/kg. Với 20kg rau mầm/tuần và 80kg/tháng, tổng doanh thu của xóm chạy thận chỉ vẻn vẹn 4 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí mua hạt giống, đất giá thể, chưa kể tiền xăng đi giao hàng lên trung tâm Hà Nội, lợi nhuận của họ chẳng còn bao nhiêu nhưng cả xóm trọ ai cũng phấn khởi và hy vọng kiếm được nhiều đơn đặt hàng hơn nữa.
Trồng được rau sạch, nhưng để kiếm được thị trường tiêu thụ là một trong những nỗi lo của những bệnh nhân nơi đây. Bác Nguyễn Duy Sứng, quê Hà Nam đã trọ chạy thận tại đây hơn 10 năm qua chia sẻ: “Những mớ rau đầu tiên, chùa Phổ Ninh nhận về bán cho phật tử, về sau chùa không mua nữa, các bệnh nhân trong xóm phải đi kiếm các mối hàng tự bán, nhưng rau mầm đem ra chợ bán bị ế ẩm vì mọi người chưa có thói quen dùng rau mầm. Ngoài ra, do không dùng hóa chất nên rau của xóm cọng bé hơn rau mầm trên thị trường, những người thân quen thì họ biết rau sạch chứ khách hàng họ chê rau bé không mua”.
Bệnh nhân Lê Thị Thanh, 64 tuổi, quê Hà Nam, vừa tưới nước cho rau vừa tâm sự: “Biết là nếu phun thuốc kích thích cho rau thì rau sẽ nhanh thu hoạch, dễ tiêu thụ, lãi sẽ cao hơn nhưng là những bệnh nhân, chúng tôi biết nỗi khổ của những người chẳng may mắc phải bệnh tật, nếu chỉ vì cái lợi của bản thân mà khiến người khác ăn phải rau mình trồng rồi ngộ độc, mang bệnh tật thì mình có tội lắm. Giờ trồng rau mầm sạch chỉ mong kiếm được mối mua rau, xóm sẽ mở rộng trồng nhiều hơn nữa”.
Người viết đã chứng kiến bữa cơm của những bệnh nhân trong “xóm chạy thận”. Bữa cơm của họ đạm bạc vô cùng, chẳng có gì ngoài lưng cơm và bát canh rau hoặc mớ rau luộc mà vườn tự trồng. Vì chỉ lo tiền thuốc, tiền chạy thận, họ cũng đã bị vắt kiệt rồi, nên việc ăn uống chỉ là tạm bợ, qua loa cho xong bữa.