Xu hướng xanh hóa trong các công trình xây dựng ở Việt Nam

(PLO) -Trong bài viết có tựa đề “Tại sao tre lại là “thép xanh” của kiến trúc thế kỷ 21 của châu Á” đăng trên tờ Financial Times ngày 10/6/2016, tác giả Clarissa Sebag-Montefiore đã đề cập đến xu hướng đưa cây tre vào các công trình kiến trúc ở một số nơi tại châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam.
 
Ngôi nhà xanh mướt do anh Nguyễn Trọng Nghĩa thiết kế.
Ngôi nhà xanh mướt do anh Nguyễn Trọng Nghĩa thiết kế.

Một công viên thu nhỏ

Nằm khuất trong một con hẻm ở TP. Hồ Chí Minh là một ngôi nhà 5 tầng nhỏ. Ở bên ngoài, trên tuyến đường chính đông đúc người qua lại, hàng nghìn chiếc xe máy ngoằn ngoèo len lỏi trong dòng chảy giao thông hỗn loạn xung quanh những chiếc xe hơi, những người bán hàng rong và những du khách với ánh nhìn đầy lo sợ.

Tách mình khỏi những ồn ào ngoài đường phố, ngôi nhà đem đến bầu không khí trong lành hiếm thấy. Những thân cây tre được mọc lên từ mỗi ban công, tạo thành một khu vườn thẳng đứng xanh tươi và quang cảnh mát mắt trong một khoảng trống lẽ ra có thể là một màu xám ngắt nếu không thì cũng là bụi bặm.

Anh Võ Trọng Nghĩa – kiến trúc sư người Việt Nam, người đã thiết kế khu nhà ở cá nhân này – đã cam kết sẽ mang thiên nhiên trở lại môi trường đô thị thông qua các thiết kế sáng tạo. “Ở đó là cả một rừng bê tông” – anh Nghĩa, 39 tuổi, vẫy vẫy cây bút chỉ vào một tuyến phố ở phía dưới văn phòng của anh ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ 0,25% thành phố bao gồm rất nhiều những ngôi nhà khối cao tầng này là công viên, tương đương khoảng 5,35 km2. Tình trạng tắc nghẽn giao thông kết hợp với ô nhiễm không khí và việc đô thị hóa nhanh chóng đang khiến những khoảng xanh ít ỏi càng trở nên ít hơn tại thành phố gồm 9 triệu dân cư này.

Trong bối cảnh như vậy, nhiệm vụ của anh Nghĩa là kết nối những người Việt Nam trẻ tuổi với di sản của họ và với thế giới tự nhiên. Anh cho rằng, nhiệm vụ quan trọng của anh hiện nay là phủ xanh thành phố. “Chúng tôi làm mọi dự án, bao gồm những ngôi nhà, trường đại học, khách sạn sao cho chúng giống một công viên thu nhỏ” – anh cho hay.

Anh Nghĩa cho biết, trong số những công trình anh đã làm có Tòa nhà xanh được anh thiết kế tại TP.Hồ Chí Minh hồi năm 2014 cho một người bạn “đã phát ốm vì áp lực và ô nhiễm”. Lấy cảm hứng từ những khu rừng nhiệt đới, ngôi nhà mà anh thiết kế chỉ tốn 155.000 USD (hơn 300 triệu đồng) cho việc xây dựng, bao gồm 5 tòa nhà bê tông vuông vức, bao quanh một khoảnh sân yên tĩnh, với những cánh cửa kính được lắp từ tầng 1 tới trần có thể mở ra khoảng không gian bên ngoài.

Dù cách bố trí của khu nhà có nét giống với những ngôi nhà có sân truyền thống của Trung Quốc nhưng mỗi ngôi nhà hộp đó lại đóng vai trò như một chiếc nồi lớn, với những cây lớn được trồng trên mái nhà có nhiều đất. Khoảnh rừng đô thị trên cao và tao nhã này cũng đóng vai trò như một chậu hứng nước mưa khổng lồ, làm giảm nguy cơ lũ lụt.

Xu thế đang phát triển

Anh Nghĩa không cô độc trong nỗ lực của mình. Trên khắp châu Á, các kiến trúc sư cũng đang ưu tiên không gian xanh và việc sử dụng các vật liệu bền có sẵn ở địa phương, trong đó đáng chú ý là cây tre. Anh Chris Precht ở trung tâm kiến trúc và thiết kế Penda cho biết, châu Á đang chứng kiến 2 xu hướng kiến trúc đối lập nhau.

“Một bên là phong trào công nghệ với những công trình sử dụng các vật liệu tiên tiến và in 3D. Xu hướng còn lại lại quay ngược về việc sử dụng các vật liệu tự nhiên” – Chris Precht cho hay.

Tại Trung Quốc, Công ty Penda mới đây đã công bố mô hình khách sạn có thể di chuyển được được làm từ những thanh tre có thể mở rộng lên trên hay sang bên cạnh tùy theo nhu cầu. Các thanh tre được kết nối với nhau bằng những sợi dây thừng và không cố định bằng đinh để có thể dễ dàng tháo dỡ và tái sử dụng ở những nơi khác.

Anh Nghĩa cho rằng, với tính mềm dẻo và độ bền của nó, tre chính là “thép xanh” của thế kỷ 21. Tại những tòa nhà tre mang dấu ấn của anh, kiến trúc sư này đã thiết kế theo các phong tục của người Việt Nam. Tại quán café Kontum Indochine Café được xây dựng vào năm 2013, anh đã sử dụng những chiếc thân tre nhỏ như chiếc roi và dùng dây mây để gắn chúng lại với nhau, tạo thành những chiếc cột hình nấm có hình dáng giống như giỏ cá của người địa phương.

Ngôi nhà xanh mướt do anh Nguyễn Trọng Nghĩa thiết kế.
Ngôi nhà xanh mướt do anh Nguyễn Trọng Nghĩa thiết kế.

Tre là cây dễ dàng phát triển và sinh sôi, hấp thụ nhiều khí carbon và thải ra lượng khí oxy lớn. “Khả năng sử dụng của cây tre là rất lớn nhưng cần phải xử lý trước khi sử dụng loại cây này trong các công trình kiến trúc. Ví dụ, cần phải ngâm tre trong bùn trong 2 tháng ở khu vực có dòng nước chảy tự nhiên trước khi sấy khô bằng khói lửa trong 30 ngày nữa.

Tuy nhiên, cây tre sau khi trải qua các công đoạn này nhìn không quá khác so với một cây tre tự nhiên trong rừng, tạo cho các tòa nhà vẻ ngoài không hoàn hảo, như thể chưa qua xử lý, chưa sàng lọc về chất lượng” – anh Nghĩa cho biết.

Là một loại cây mọc theo bụi và thường thấy ở Đông Nam Á, cây tre hiện cũng đang được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Loại cây này được cho là có độ bền cao hơn thép, lại rẻ và có sẵn nhiều trong tự nhiên. Một số loài tre có thể cao lên nhanh chóng chỉ trong một ngày, đồng nghĩa với việc cây tre có thể chỉ mất đến 3 năm để trưởng thành nếu so với một số loại gỗ. Khi sử dụng vào mục đích xây dựng, các tòa nhà làm bằng tre có tuổi thọ tối đa lên đến 30 hoặc 40 năm.

Cùng chung nhận định như trên, anh Rocco Yim ở Công ty kiến trúc Rocco tại Hong Kong cũng áp dụng những cấu trúc truyền thống ở châu Á, lấy cảm hứng từ những rặng tre được trồng xung quanh những ngôi đền tại Nhật Bản để xua đuổi ma quỷ, vào các thiết kế của mình.

Cũng đi theo xu hướng sử dụng loại vật liệu này, gian hàng triển lãm của Trung Quốc tại Triển lãm Milan năm 2015 do công ty Link-Arc phối hợp với trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh thực hiện cũng bao gồm 1.000 mảnh tre được ghép với nhau, với phần mái dốc tương tự như cảnh thường thấy trong những bức tranh truyền thống của nước này.

Công ty kiến trúc Budi Pradono có trụ sở tại Indonesia cũng lấy cảm hứng từ những dãy núi ở đảo Java để thiết kế ngôi nhà Dancing Mountain – một khu nhà ở cá nhân với phần mái bằng tre được chia thành 5 đoạn gấp khúc có hình dáng như những quả đồi nằm cạnh nhau.

Vật liệu già cỗi cùng con người

Với anh Chris Precht ở Công ty Penda, một phần vẻ đẹp của các vật liệu tự nhiên nằm ở chỗ chúng “cũng trưởng thành và già cỗi cùng với con người, khác hẳn các vật liệu khác như thép hay bê tông”.

“Khi tiến hành xây dựng một công trình nào đó, chúng ta đã lấy đi phần đất ban đầu là của cây cỏ và các loài động vật hoang dã. Vì thế nên, các công trình kiến trúc do con người tạo ra phải tạo được nền tảng để các hệ động vật và thực vật phát triển nhằm đắp đổi những thứ mà chúng ta đã lấy đi” - anh Precht nói.

Trở lại TP.Hồ Chí Minh, trong một khối văn phòng nhàm chán, anh Nghĩa trưng ra một bản vẽ mà anh hy vọng một ngày nào đó sẽ là văn phòng mới của anh. Trong ngày thứ 7 đó, các nhân viên của công ty sẽ đi chân trần quanh khu văn phòng, mặc quần thể thao thời trang và áo in hình hình học. Chính sách không đi giày được công ty này áp dụng để việc tiến hành các bài tập thiền bắt buộc của công ty trở nên dễ dàng hơn.

Anh Nghĩa dự định xây văn phòng của anh theo mô hình xếp chồng lên nhau như một thửa ruộng bậc thang của người Việt Nam. Các kệ nhô ra ngoài trời sẽ được sử dụng để trồng rau. Theo ý tưởng của anh, sản phẩm rau trồng được sẽ được các nhân viên chế biến làm đồ ăn. Anh Nghĩa nói rằng đây là một bước nhỏ trong quá trình hướng tới làm xanh trái đất bằng các công trình kiến trúc./.

Đọc thêm