Cụ 76 tuổi nhặt ve chai kiếm tiền để hai chắt không phải ăn mày

(PLO) -Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đáng ra phải được hưởng hạnh phúc cùng con cháu thì cụ Huỳnh Thị Phèn (SN 1940, ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn phải vất vả đi lượm lặt từng cái ve chai, đồng nát kiếm cái ăn, cái mặc hàng ngày cho cả nhà.
 
Cụ Phèn và cháu Bích đang phân loại ve chai để bán.
Cụ Phèn và cháu Bích đang phân loại ve chai để bán.

Đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, người lại đầy bệnh tật nhưng cụ Phèn luôn gắng gượng vượt qua để chăm lo cho hai đứa chắt được ăn học đến nơi đến chốn. Câu chuyện về nghị lực vượt khó của bà cụ đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong xã.

Một thân tảo tần nuôi 3 thế hệ

Dưới cái nắng gay gắt, cụ Phèn run rẩy đôi tay bới từng đống rác tìm bọc nilon, chai nhựa, giấy vụn, vỏ lon bia bị vứt bỏ rồi cho lên xe. Mỗi khi nhặt được món gì có giá hơn chút, gương mặt hốc hác của cụ lại rạng rỡ lên. Đây là nguồn thu nhập chính giúp cho cụ cùng hai đứa chắt Hồ Thị Bích Phận (SN 2001) và Hồ Thị Ngọc Bích (SN 2003) sống lay lắt qua ngày.

Cuộc đời cụ Phèn thời trẻ vốn đã nghèo khó, lận đận đến khi về già lại càng cơ cực hơn gấp bội. Sinh ra trong gia đình nghèo đông con, cụ chẳng được học hành mà sớm phải tảo tần lo chuyện cơm áo, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm việc quần quật ngoài đồng ruộng.

Năm 27 tuổi, chồng cụ Phèn bị trúng đạn pháo của địch qua đời để lại cho cụ 4 đứa con trai nheo nhóc. Gạt đi nước mắt, cụ hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để tất bật vừa đi làm thuê, vừa chăm sóc mảnh ruộng, vừa lo cho các con được no cơm, lành áo đến khi trưởng thành.

Lớn lên, các con đều có gia đình riêng, ai cũng sống bằng lao động chân tay, nghèo khó và đông con nên không đủ khả năng phụng dưỡng mẹ. Dẫu vậy, cụ cũng không buồn giận các con mà vẫn tự bươn chải để kiếm cái ăn. Cứ tưởng cả đời vất vả vì con quá đủ nhưng cụ Phèn lại phải đau khổ thêm vì đứa cháu lạc lối lầm đường.

Bởi “cơm không lành canh không ngọt” mà con trai cả và con dâu của cụ chia tay nhau. Mỗi người đi một nơi để tìm hạnh phúc mới giao lại cho cụ đứa cháu nội là chị Hồ Thị Nhiên (SN 1983) lúc đó mới được 8 tuổi. Từ đấy, cụ Phèn bắt đầu đi lượm nhặt ve chai để kiếm thêm thu nhập nuôi cháu.

Cụ Phèn đẩy xe về nhà sau một buổi đi nhặt ve chai
Cụ Phèn đẩy xe về nhà sau một buổi đi nhặt ve chai

Đến tuổi cặp kê, chị Nhiên đem lòng yêu một thanh niên trong xã, cả hai dự định sẽ tiến đến hôn nhân. Nhưng khi phát hiện chị Nhiên mang bầu thì hắn trở mặt làm ngơ bác bỏ chuyện cưới hỏi. Biết tin, cụ Phèn rất đau buồn nhưng rồi cụ cũng gạt nước mắt mà an ủi lo cho cháu nội chu đáo đến ngày sinh con.

Đầu năm 2003, chị Nhiên gặp một người công nhân xây dựng. Khi được tin chị Nhiên mang bầu, người đàn ông này tỏ vẻ rất vui mừng, bảo chị chờ hắn về quê thưa chuyện cùng cha mẹ để tổ chức đám cưới. Từ đấy, chị Nhiên cứ ngóng đợi mãi đến ngày sinh con mà vẫn không thấy người yêu trở lại.

Thấy cháu bụng mang dạ chửa, đau khổ vì tình, cụ Phèn chỉ biết an ủi: “Không sao đâu! Con đừng buồn, mọi chuyện cứ để nội lo hết!”. Bao hy vọng đều tiêu tan, tâm trạng u uất bởi cú lừa tàn nhẫn của người yêu khiến chị Nhiên đau buồn tương tư rồi lâm trọng bệnh qua đời vào năm 2006. Cụ Phèn đã khóc hết nước để tiễn đứa cháu về cõi vĩnh hằng.

Gượng sức tàn nuôi chắt ăn học

Từ đó, cụ Phèn gánh thêm trách nhiệm cưu mang nuôi dưỡng hai đứa cháu cố (chắt) côi cút. Hằng ngày, cụ dậy sớm lo cho bé Phận và bé Bích ăn uống xong rồi đèo chúng trên chiếc xe cũ kĩ đi lang thang hàng chục cây số tìm nhặt ve chai kiếm tiền lo chuyện cơm áo.

Thấy gia cảnh bà cụ nghèo túng, một gia đình đến rỉ tai xin bé Phận về làm con nuôi với giá 2 cây vàng nhưng cụ từ chối. Hàng xóm, có người khuyên nên gửi bớt một đứa vào trại trẻ mồ côi giảm gánh nặng cơm áo, để có điều kiện lo cho đứa còn lại nhưng cụ cũng không chịu. Cụ muốn tự tay mình chăm lo cho hai cháu cố đến cuối đời.

Cũng có người mách nước cụ Phèn dẫn 2 đứa cháu ra đường đi xin ăn, mọi người động lòng thương cảm sẽ cho nhiều tiền. Cụ cũng không đồng ý. Cụ bảo, không muốn lợi dụng lòng tốt của mọi người, và nếu làm thế 2 đứa cháu mình suốt đời sẽ không ngẩng cao đầu được.

Cứ thế, hơn 10 năm qua, cụ Phèn vẫn ngày ngày đi nhặt phế liệu từ sáng đến tối để kiếm tiền đong từng cân gạo nuôi chắt mỗi bữa. Sau những giờ bám đường vất vả, bà cháu họ cặm cụi phân loại từng thứ ve chai để dễ bán lại cho vựa. Thu nhập bình quân mỗi ngày kiếm được hơn 70 ngàn đồng.

Với khoản tiền này, ba bà cháu phải ăn uống rất kham khổ để dành tiền lo chi phí sách vở, học hành cho 2 đứa. Thực đơn thường xuyên là trứng chiên, rau luộc chấm nước tương.

Thế nhưng, nguồn thu nhập của bà cụ cũng ngày càng ít ỏi, bởi có quá nhiều người đi nhặt ve chai, giá phế liệu ngày càng bấp bênh đi xuống. Để duy trì mức thu nhập, cụ Phèn còn nhận dọn dẹp, đổ rác thêm ở các sạp hàng cho bà con tiểu thương trong chợ vào mỗi buổi trưa. Đổi lại, họ cho bà có thứ ve chai như bọc nilon, thùng giấy cũ, cũng có khi là gạo, hay một ít đồ ăn.

Mưu sinh vất vả, thân đầy bệnh tật nhưng cụ Phèn chưa bao giờ có ý định cho các cháu phải nghỉ học. Cụ bảo, đi học là cách duy nhất để chúng thoát khỏi cái nghèo, tránh xa tệ nạn xã hội mà sống lương thiện. Bà luôn dạy cháu mình phải sống lạc quan lên để bước qua nghịch cảnh. Cụ luôn vui vẻ, không bao giờ than khó, than khổ mà chỉ âm thầm gánh chịu để chúng yên tâm học hành.

Dù nghèo khó nhưng mái ấm nhỏ của họ lúc nào cũng nhộn nhịp và tràn ngập tiếng cười đùa. Điều khiến cụ Phèn cảm thấy vui và an ủi nhất là thành tích học tập của hai cháu Bích Phận (lớp 9) và Ngọc Bích (lớp 7). Nhà nghèo nhưng hai đứa học hành rất giỏi được công nhận là Cháu ngoan Bác Hồ cấp Thành phố. Chúng lại biết hiếu thảo với cụ lo toan quán xuyến hết việc giặt giũ nấu ăn trong nhà.

Thành tích học và tấm lòng hiếu thảo của hai cháu là động lực rất lớn giúp cụ Phèn tiếp tục bước qua những gian truân của cuộc đời. Mỗi khi chúng lãnh giấy khen đem về, cụ vui mừng như đứa trẻ được cho quà bánh đem khoe khắp xóm.

Cụ Phèn tự hào kheo giấy khen của cháu cố
Cụ Phèn tự hào kheo giấy khen của cháu cố

Cụ Phèn cười móm mém chia sẻ: “Nhà nghèo lo đong gạo từng bữa nhưng tui luôn cho tụi nhỏ ăn học đủ thứ hết, từ tiếng Anh, vi tính cho đến võ thuật. Tui rất vui vì môn nào tụi nó cũng thông cũng giỏi hết. Giờ tui chỉ ước mong mình có nhiều sức khỏe gắng đi lượm ve chai bán kiếm lo đóng học phí, mua sách vở cho 2 đứa cháu cố học hành để sau này chúng có nghề nghiệp đàng hoàng”.

Thấy bà cố vất vả, nhiều lần bé Phận đòi nghỉ học để tìm việc làm phụ giúp cố nuôi em nhưng bà đều không đồng ý. Ngoài giờ học, hai cháu thường cùng cụ Phèn đi nhặt ve chai để kiếm thêm thu nhập. Hình ảnh ba người họ, bà đã già yếu, hai cháu thì bé nhỏ bới từng đống rác tìm ve chai rồi hè nhau gắng sức đẩy chiếc xe đầy ấp những bao ni lông, bao giấy vụn lấm lem đã trở thành quen thuộc với bà con lối xóm.

Nhiều năm qua, cụ Phèn luôn được hàng xóm quý mến bởi tính chịu thương chịu khó và đức hi sinh cao cả. Bà con ai cũng nhiệt tình góp nhặt tình thương để rồi san sẻ từng lon gạo, ít mắm muối để giúp gia đình cụ vơi bớt đi khó khăn phần nào những lúc ốm đau, túng quẩn.

Nói về gia cảnh cụ Phèn, chị Hiền láng giềng cho biết: “Hoàn cảnh bà Tư Phèn, ai thấy cũng thương lắm, con đông mà chẳng nhờ được ai. Già cả mà bà vẫn phải dãi nắng dầm mưa đi lượm ve chai nuôi cháu cố ăn học. Hai đứa nó học giỏi lắm, lại ngoan ngoãn lễ phép. Thấy bà Tư đã quá già yếu, quỹ thời gian cũng không còn nhiều, không biết bà có thể đủ sức lo đến khi hai đứa cháu học đại rồi ra trường không nữa?”.

Bạn đọc có lòng hảo tâm có thể liên hệ theo địa chỉ: cụ Tư Phèn tổ 2, ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM hoặc số điện thoại chị Hiền hàng xóm cụ Phèn: 0977 993 630

Đọc thêm