Ví dụ như ăn chay, mỗi tháng người Phật tử ăn chay hai ngày, hoặc sáu ngày, hoặc mười ngày... Thoạt nhìn, thấy ăn chay là khổ, vì không được ăn uống tự do, phải hạn chế thức ăn, ăn không ngon miệng, mau đói...
Vui phàm, vui thánh
Song, đối với người biết tu, ăn chay được họ lấy làm vui, vì không giết hại sinh vật để bồi bổ cho xác thịt của mình. Một ngày không giết hại là một ngày không làm khổ chúng sinh. Một ngày không làm khổ chúng sinh là một ngày an vui. Cái vui của người ăn chay là cái vui tránh khổ cho loài vật, nhờ vậy mà lòng từ tăng trưởng.
Ăn chay là tránh sát sinh, không làm tổn hại sinh mạng loài vật là vui chứ không phải hôm nay là ngày chay, nhiều người kiêng ăn thịt cá nên cá thịt rẻ, ra chợ mua, nhất là mua cá đem về để mai mốt ăn cho đỡ tốn kém.
Ăn chay cốt không làm tổn hại sinh mạng chúng sinh, tránh được tội lỗi, làm được điều tốt, tiết dục không ham muốn nhiều.
Người không biết tu thì vui trên cái khổ của kẻ khác hoặc của loài vật; còn người biết tu thì vui khi tránh được điều ác, không làm tổn hại người vật, làm được việc thiện lợi mình, lợi người. Thế nên nói người tu được cái vui thoát tục, tức là vượt khỏi cái vui tầm thường của người thế gian.
Ở thế gian có những người thanh niên trẻ tuổi, sống với cái vui thoát tục xa lìa ngũ dục, ăn chay lo tu tỉnh, thì bị những người thọ hưởng ngũ dục phê bình châm biếm cho là ngu dại, không biết thụ hưởng thú vui ở đời.
Cứ nghiệm xét lại người uống rượu, hút ma túy, cờ bạc...không thấy hậu quả việc làm của mình, cứ chạy theo thị hiếu, thỏa mãn lòng tham muốn, cuối cùng tự chuốc khổ họa vào thân thì không khôn, không phải là người trí. Người trí biết cờ bạc, rượu chè, hút sách... là cái nhân đưa đến nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau nên tránh, tự thân không bị khổ và không làm phiền lụy cho người khác.
Trong Kinh A Hàm, Phật dạy: “Sắc, thinh, hương, vị, xúc, tất cả những pháp này khả lạc, khả hỷ, khả ý. Khi nào chúng ta hiện hữu, thế giới chư thiên xem chúng là khả lạc, khi chúng bị hoại diệt mới thấy chúng là khổ”.
Ở đây Phật dạy rằng, người đời khi được những món ngũ dục, sắc, thinh, hương, vị, xúc thì cảm thấy vừa ý cho là vui. Người trời thấy ngũ dục là vui nhưng khi chúng bị hoại diệt, tức là khi chúng mất đi thì chừng đó mới thấy khổ.
Còn bậc Thánh thấy vui, khi mình đoạn diệt được tham trước ngũ dục lạc, là cái mầm dẫn đi trong luân hồi sinh tử. Cái vui khi dứt mầm sinh tử mới là cái vui chân thật vĩnh viễn.
Cái vui của bậc thánh khác với cái vui của phàm phu; cái vui của phàm phu bậc thánh cho là khổ, cái vui của thánh nhân, phàm phu cho là khổ.
Thí dụ một tu sĩ ăn mặc đơn sơ thường tọa thiền dưới cội cây, người nhậu nhẹt ăn chơi cho rằng sống tiết chế kham khổ như thế là ngu không biết thụ hưởng thú vui của đời. Ngược lại, bậc thánh thấy người đời vui say ngũ dục ăn chơi trà đình tửu điếm, cho đó là mê mờ thiếu trí tuệ, đem lòng thương xót.
Thế nên, người đời phải khéo biết cái vui nào là cái vui chân thật trường cửu, để duy trì và gìn giữ; cái vui nào trá hình của khổ đau để tránh. Nhược bằng cứ chạy theo cái vui trá hình của khổ đau, thì vui trong chốc lát mà khổ lâu dài, sống như vậy là mê mờ thiếu trí tuệ.
Tỉnh mà vui, vui mà tỉnh
Thế những cái vui của người tỉnh là gì? Người biết tu tỉnh khi tâm hồn bình thản, thanh tịnh thì vui. Lúc ngồi dưới gốc cây, bên sườn núi, cảnh vắng vẻ, nhìn trời mây, nhìn cây cỏ hoa lá, tâm hồn thanh thản an định, cảm nhận một niềm vui tràn khắp thân tâm cảnh vật.
Người tỉnh tu khi tâm thanh tịnh, vui trên sự thanh bình của vạn vật, không làm tổn hại bất cứ loài vật nào, không tổn hại sức khỏe, cũng không hao tiền tốn của.
Lại nữa, người tỉnh tu vui khi phá được vô minh phiền não. Giả sử có người gièm pha chỉ trích, nói lời nhạo báng Phật pháp, người tu nghe qua khởi niệm bực bội, muốn nói lại cho đã giận nhưng liền khi đó tỉnh giác, biết giận là phiền não mê mờ, nói lời xúc phạm gây buồn đau cho người là tội lỗi.
Cơn giận sẽ từ từ lắng xuống, tâm được bình an, lòng vui sướng thấy mình chiến thắng được phiền não sân giận. Nếu không thắng được cơn giận thì phát ngôn bừa bãi, nói ra những lời đau đầu nhức óc, kẻ nói qua người trả lại; lúc đầu thì đấu khẩu, sau đó thì đấu tay chân... như vậy, chỉ là khổ, chẳng lợi ích gì!
Giờ đây tự phản tỉnh, thấy rõ từng tâm niệm của mình, niệm sân vừa khởi liền biết, không chạy theo nó, đó là tự thắng mình, thắng được phiền não sân giận. Thế là mình được an ổn và mối quan hệ giữa mình và người bình thường vui vẻ, không có chuyện buồn ghét xảy ra.
Thế nên nói người biết tu, vui khi thắng được phiền não, một cơn giận một niệm buồn khởi lên, liền biết dừng ngay. Cứ thế mà tu tỉnh hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm thì sự an vui cũng thường có trọn giờ, trọn ngày, trọn tháng, trọn năm... Ngược lại, hễ ai đụng tới là buồn giận, không phản tỉnh, không biết dừng thì buồn khổ mãi.
Lại nữa, người tỉnh tu vui khi làm lợi ích cho người. Ví dụ người làm việc từ thiện xã hội đem được gạo tiền, thuốc men, quần áo... đến tận vùng bão lụt, đưa tận tay cho người mắc nạn, giúp cho họ được no lòng, ấm thân... thì thấy lòng mình vui sướng, vì đã làm được điều lợi ích cho người. Người tỉnh giác càng làm lợi ích cho người, càng giúp cho người sáng ra là càng vui, niềm vui chân thật lâu dài.
Người đã phát tâm tu theo đạo Phật thì suốt đời phải tinh tấn tu hành |
Gắng gỏi mà tu
Như vậy, bạn đọc nhận thấy tu là vui hay khổ? Nếu thấy tu là vui, thì hãy nỗ lực cố gắng tu, để trở về cái chân thật hằng hữu được cái vui bất tuyệt. Ở thế gian này có ai giàu có thọ hưởng ngũ dục một cách đầy đủ mà khỏi đau bệnh, già yếu, chết chóc không?
Từ ngàn xưa đến nay không ai tránh khỏi! Thế mà hưởng được cái vui giàu sang sung sướng chỉ được mấy mươi năm, chúng ta tưởng là lâu dài, rồi cứ mãi mê đuổi bắt nó. Khi nào chúng ta thoát ra khỏi cái khổ sinh tử thì mới được cái vui chân thật lâu dài.
Nếu còn ở trong sinh tử dầu có nhiều tiền lắm của rồi cũng tiêu hoại. Chỉ có người biết trở về cái chân thật, tâm hết vô minh phiền não mới thoát khỏi mọi khổ đau, được cái vui chân thật bất diệt.
Qua những dữ kiện vừa nêu, cho chúng ta thấy người đời không sáng suốt lấy cái khổ của người làm cái vui của mình; vui trên sự đau khổ của người và vật. Còn người chân chính tu hành hằng sáng suốt không bao giờ thừa nhận mình vui trên sự đau khổ của người vật, mà ngược lại lấy cái vui của mình, đem sự an vui đến cho người vật.
Tất cả chúng ta phát tâm tu là phát nguyện sống đời an vui bất tận, chẳng những trong đời này mà vĩnh viễn về sau. Muốn được như thế phải nỗ lực tu hành. Người tu hành thoạt nhìn thấy như thiệt thòi khổ sở vì không thọ hưởng những cái vui sướng của thế gian, lại khép mình trong giới điều nghiêm ngặt để tinh tiến tu hành.
Vậy, người đã phát tâm tu theo đạo Phật thì suốt đời phải tinh tấn tu hành, chứ không phải tu một thời gian rồi ngừng nghỉ không tu nữa. Nhất là người già phải nỗ lực tu nhiều hơn, vì già cái khổ tử vong gần kề, nếu không lo tu hành khi cái chết đến làm sao trở tay kịp?
Thế nên người phát tâm tu chẳng những khi còn trẻ lo tu hành mà lúc già lại phải tu nhiều hơn, như thế mới có được nguồn an vui chân thật, dứt mọi khổ đau.
Tóm lại, đạo Phật là đạo diệt khổ, đem vui đến cho chúng sinh, và chính đạo Phật là chỗ an bình, là chỗ nương tựa an vui chân thật, muôn đời của tất cả loài người…