Theo báo cáo trên, tình hình lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng khả quan. Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 47 nghìn tỷ đồng, tăng tới 39% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ.
Cụ thể, dữ liệu thống kê từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, lãi thuần từ hoạt động tín dụng của hệ thống đã tăng mạnh (15,8%); tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên tăng lên mức 2,8% (cùng kỳ năm 2016 là 2,7%); lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tăng khoảng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016; tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng khoảng 49%, giảm từ 53% cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo báo cáo trên, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng ở khoảng 2,9% (năm 2016 khoảng 2,6%). Tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu.
Theo Ủy ban Giám sát, trong 9 tháng đầu năm 2017, nợ xấu thực tế đã giảm so với cuối năm 2016 do các khoản mục trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ và trái phiếu doanh nghiệp phân loại từ nhóm 3-5 giảm và các khoản đầu tư, đặt cọc, ký quỹ, các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi đều giảm mạnh.
Về xử lý nợ xấu, báo cáo cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống tổ chức tín dụng ước tính xử lý khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu ước khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán tài sản bảo đảm khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác.
Hệ thống tổ chức tín dụng cũng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối tháng 9/2017, số dư dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016.