“Cát tặc” dùng bạo lực đối phó cơ quan chức năng
Theo số liệu thống kê tại hội nghị, đến tháng 5/2017, cả nước có hơn 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Đánh giá của Bộ Công an nhận định, thời gian qua, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý nhằm siết chặt công tác quản lý trong hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát sỏi nhưng ở nhiều địa bàn các đối tượng vẫn lén lút hoạt động trái phép gây sạt lở mất đất canh tác. Thậm chí, ở nhiều địa phương, các đối tượng khai thác cát trái phép còn dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, phương tiện để khai thác trái phép và đối phó với cơ quan chức năng.
“Với tình hình khai thác cát như hiện nay thì nguồn tài nguyên này ở nước ta sẽ sớm cạn kiệt và gây ra tình trạng sói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực liền kề, mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ.
Báo cáo của Bộ Công an cho hay, sau gần 1 năm thực hiện Kế hoạch số 102 của Bộ Công an, lực lượng Công an đã phát hiện bắt giữ và xử lý trên 4.300 vụ với gần 2.920 đối tượng khai thác cát trái phép, tịch thu trên 1.000 phương tiện, thiết bị, tổng số tiền nộp phạt hơn 41 tỉ đồng, khởi tố 2 vụ vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Riêng qua 3 tháng thực hiện Kế hoạch 69, Công an các đơn vị địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.282 vụ, bằng 75% so với tổng số vụ việc cả năm 2016; xử lý vi phạm hành chính 17,2 tỷ đồng; tịch thu 32 tàu, thuyền hút cát và 22.902,9m3 cát.
Những vi phạm phổ biến trong khai thác là không thả phao xác định mốc giới mỏ để khai thác ngoài phạm vi được cấp phép; khai thác vượt quá số lượng, phương tiện được cho phép, tổ chức bơm, hút bán trực tiếp cát sỏi trên sông, không xuất hóa đơn chứng từ đúng quy định… Một số địa phương do thiếu sự quản lý chặt chẽ để một số các mỏ khai khác cát vi phạm pháp luật dẫn tới bức xúc, khiếu kiện như tại các địa phương Phú Thọ (các huyện Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Sơn); Bắc Giang (các huyện Lạng Giang, Yên Dũng); Hòa Bình (huyện Kỳ Sơn); Đồng Nai (Nhơn Trạch)...
Cùng với đó, các đối tượng dựa vào dự án nạo vét, khơi thông luồng thủy do UBND tỉnh cấp trên các tuyến luồng đường thủy do Sở Giao thông Vận tải tỉnh quản lý đã khai thác cát ngoài phạm vi khu vực dự án, khai thác vượt độ sâu, số lượng cho phép, vượt số lượng tàu cho phép… như vụ Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH trên sông Uông Bí tại Quảng Ninh.
Cán bộ có dấu hiệu bảo kê
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, do các địa phương đều đã tăng cường các biện pháp đấu tranh nên tình hình khai thác cát trái phép đã giảm đi, một số địa bàn trọng điểm đã được kiếm soát. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn lén lút hoạt động ở một số địa điểm trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình, sông Lai Vu... ở phía Bắc; tuyến sông Mã, sông Lam, sông Hiếu, sông Trà Khúc, sông Hương... ở miền Trung; tuyến sông Đồng Nai, sông Sài Gòn... ở các tỉnh phía Nam. “Thủ đoạn hoạt động khai thác cát trái phép thường vào ban đêm, lợi dụng các ngày nghỉ lễ. Có nơi các đối tượng khai thác cát trái phép dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, phương tiện để khai thác cát trái phép và đối phó với cơ quan chức năng”, ông Vương nói và cho biết, tại một số địa phương do tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở mất đất canh tác nên nhân dân đã tự lập ra “chốt” để ngăn chặn chống lại hoạt động khai thác cát trái phép như ở các tỉnh Hải Dương, An Giang.
Thừa nhận tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải lý giải, do công tác quản lý, thăm dò, cấp phép khai thác mỏ vật liệu trên các tuyến hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia tại một số địa phương chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy dẫn đến có sự chồng lấn giữa dự án nạo vét luồng và dự án khai thác mỏ cát của địa phương. Cơ quan chức năng cũng chưa kiểm soát được các phương tiện tham gia thi công gây nên tình trạng lộn xộn trong giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, do nhu cầu về xây dựng rất lớn trong khi chưa có vật liệu thay thế mà vẫn phải dùng cát là chính, từ đó giá cát liên tục tăng; điều này càng “thúc đẩy” các đối tượng vi phạm khai thác cát bằng mọi giá.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khai thác cát tràn lan hiện nay là do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng ở nhiều địa phương. Trong khi hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai khoáng còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, bởi vậy các đối tượng dùng mọi phương thức, thủ đoạn để vi phạm, để khai thác cát. “Thậm chí có dấu hiệu bao che, bảo kê của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cấp ủy, chính quyền từ xã đến cấp tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật”, Thượng tướng Vương cho biết...