Xử lý mạnh nếu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn ì ạch

(PLO) - Ngày 24/8 vừa qua, Cty CP Hoàng An chính thức có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin rút vốn khỏi Cty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (chủ đầu tư giai đoạn 1 của dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận).
Sau hơn nửa năm tái khởi động, Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn chưa huy động được đủ vốn
Sau hơn nửa năm tái khởi động, Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn chưa huy động được đủ vốn
Mặc dù đã tái khởi động được 6 tháng song Liên danh nhà đầu tư (NĐT) Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn loay hoay với bài toán vốn khi thời điểm phải hoàn thành đang đến gần…
Vốn góp không đủ, vay ngân hàng không xong
Là một trong những công trình trọng điểm phía Nam, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 51,1km tuyến cao tốc và 4,5km tuyến nối với tổng mức đầu tư khoảng 14.678 tỷ đồng theo hình thức BOT. Dự kiến, đường cao tốc sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và hoàn vốn bằng thu phí đường bộ. 
Dự án được thực hiện hợp đồng ký ngày 6/2/2015 giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Liên danh NĐT (Cty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, sau đây gọi là Cty BOT) gồm: Cty CP Xây dựng Tuấn Lộc, Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Cty CP Đầu tư  xây dựng BMT, Cty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, Cty CP Hoàng An và Cty CP Đầu tư cầu đường CII.
Trong báo cáo mới nhất của TCty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP) – đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tính đến thời điểm hiện tại, Cty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận mới góp được 1.408 tỷ trong tổng số 1.542 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đạt 91,29% yêu cầu. Trong 6 NĐT trong Liên danh, có NĐT vẫn chưa góp được một đồng vốn nào, có NĐT mới góp được tỷ lệ rất nhỏ 1,29%. 
Tuy nhiên, theo ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc CIMP, những con số đó là theo báo cáo của Cty BOT, bản thân CIMP đã có văn bản yêu cầu các thành viên Liên danh NĐT có ý kiến chính thức bằng văn bản hoặc biên bản thỏa thuận giữa các NĐT hoặc biên bản họp HĐQT các DN dự án nhưng đã 3 tháng qua, CIMP vẫn chưa nhận được bất cứ một báo cáo nào…
Không chỉ vốn góp chủ sở hữu của các NĐT không đủ, dự án có tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng này cũng đang đứng trước bài toán khó về vốn tín dụng. Theo báo cáo của Cty BOT, Ngân hàng Vietcombank không tham gia tài trợ cho dự án, Ngân hàng BIDV chỉ tài trợ tối đa 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng Vietinbank có trách nhiệm kêu gọi các ngân hàng khác tham gia để thu xếp đủ nguồn vốn vay cho dự án, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chưa có hợp đồng tín dụng nào được ký kết. 
Bản thân CIMP đã yêu cầu Cty BOT có báo cáo về tình hình làm việc với các ngân hàng cam kết cấp tín dụng cho dự án và tiến độ ký được hợp đồng tín dụng nhưng suốt hơn một tháng qua, CIMP vẫn không nhận được báo của của Cty BOT…
Nhà đầu tư rút lui
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng Giám đốc Cty CP Hoàng An Hoàng Quốc Toàn cho biết, theo yêu cầu của Bộ GTVT, Cty CP Hoàng Anh đã nộp đủ vốn chủ sở hữu là 154,56 tỷ đồng vào ngày 14/5/2015. Vị này đưa ra 3 nguyên nhân lý giải việc rút vốn đầu tư, đó là: đứng đầu liên danh cho đến nay chưa làm được thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư; dự án không thu xếp được vốn tín dụng để triển khai; và việc phân chia khối lượng không được thống nhất cùng các NĐT. 
“Các vướng mắc này tiếp tục không có hướng để tháo gỡ khiến dự án bị đình trệ không triển khai được, gây rất nhiều thiệt hại cho NĐT…” - Cty CP Hoàng An nhấn mạnh trong văn bản gửi Bộ GTVT.
Trước đó, ngay từ giữa tháng 6/2015, Cty CP Hoàng An cũng đã xin rút không tham gia góp vốn bổ sung vốn chủ sở hữu dự án. Mặc dù việc này không làm thay đổi bản chất hợp đồng BOT đã ký nhưng điều này cho thấy hẳn có lý do để các NĐT này không còn mặn mà với dự án.
Tại cuộc họp ngày 8/6/2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các NĐT chậm nhất đến ngày 25/6 phải có giấy chứng nhận đầu tư và đến ngày 5/7 phải ký được hợp đồng tín dụng để triển khai dự án.
Không những thế, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án cũng chậm so với yêu cầu của Bộ GTVT là phải hoàn thành trước ngày 15/8/2015. Cụ thể, tính đến ngày 24/8, báo cáo của CIPM cho biết mới bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương được 35km (24/28 gói), dự kiến bàn giao hiện trường 4km (4/28 gói) còn lại cho địa phương từ 31/8-10/9. Trong 5 gói thi công trước (12km), mới bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương được 3 gói.
Mới đây nhất, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ công trình cao tốc về miền Tây Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cảnh báo về tiến độ của dự án và yêu cầu các NĐT phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nếu không có sự chuyển biến thì sẽ có biện pháp mạnh để xử lý…

Đọc thêm