Tràn ngập “rác”
Những năm trở lại đây, cảnh “giường chiếu” với lời hát phản cảm, dung tục xuất hiện tràn lan tại thị trường âm nhạc, trên internet với hàng triệu người truy cập. Những cảnh quay sex ấy không chứa đựng yếu tố nghệ thuật gì ngoài mục đích mồi chài người xem, chiêu trò câu khách rẻ tiền và dị hợm.
Không chỉ có âm nhạc, mà ngay các bộ phim cùng đầy rẫy cảnh bạo lực và phim có cảnh sex. Năm 2017, dư luận trong nước phẫn nộ với hàng loạt clip dạng phim ngắn, các diễn viên vào vai những nhân vật được thiếu nhi yêu thích như Spiderman, Elsa... nhưng với nội dung sex, dung tục.
Vài năm trước, đoạn phim “Vụ thảm sát số 6” (“phát hành” chưa được một tuần nhưng có tới hàng trăm ngàn lượt xem) đã gây bức xúc trong dư luận vì mô tả quá chi tiết, thô thiển, phản cảm, hành vi giết người bạo lực, vô nhân tính, tàn ác và có tính kích động bạo lực.
Trước đó, bộ phim 18+ “Căn hộ 69” “phủ sóng” trên Youtube cũng khiến dư luận bức xúc vì đề cập tới những vấn đề về tình dục, sinh lý và tình yêu của những người trẻ tuổi sống ở thành thị một cách nhạy cảm, tục tĩu và lời thoại không phù hợp với văn hóa Việt Nam...
Những MV ca nhạc, phim sex được ồ ạt tung trên youtube để “câu view”, “đánh bóng” tên tuổi người hát, người diễn và là công cụ để… kiếm tiền. Theo nhiều chuyên gia chuyên làm nội dung đưa lên Youtube, hiện mạng xã hội này chia sẻ doanh thu cho người làm nội dung có lượt xem từ thị trường Việt Nam từ 0,5-1USD/1.000 views. Như vậy, nếu 1 clip có 1 triệu views thì được chia doanh thu 1.000USD (tương đương hơn 22.000.000 đồng).
Những phim, clip phản cảm, phim 18+, bạo lực đã chọn internet để lách qua khâu kiểm duyệt. Từ một bộ phim bị cấm vĩnh viễn vì quá bạo lực nhưng rồi lại bị phát tán rộng rãi chỉ bằng động thái cực kỳ đơn giản trên internet đã cho thấy những “lỗ hổng” của mạng xã hội cũng như quy định còn nhiều kẽ hở của luật pháp và sự lúng túng của cơ quan quản lý. Lý do lớn nhất là quy định quản lý các sản phẩm văn hóa trên mạng hiện nay dường như đang bị bỏ ngỏ.
Vì thế, những bộ phim, clip tự đăng tràn lan trên mạng hầu như không bên nào kiểm soát. Nếu có thì rất ít trong số đó bị kiểm tra, xử phạt, mà chế tài xử phạt hành chính thì lại như… “chổi lông gà quét bã cao su”!
Xử phạt quá nhẹ
Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng” thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối hành vi: lưu trữ, truyền đưa thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; buộc thu hồi giấy phép thiết lập mạng xã hội đối với hành vi vi phạm quy định trên từ 2 lần trở lên trong 1 năm.
Bộ luật Hình sự có quy định hình phạt cho hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội có tổ chức thì bị phạt tù từ 3-10 năm và phạt tiền từ 3 -30 triệu đồng...
Với những căn cứ pháp luật, đã có vài trường hợp xử phạt như: Thanh tra Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch áp dụng mức phạt tiền đối với trang web http://lifetv.vn đăng tải phim “Vụ thảm sát số 6” 25 triệu đồng và buộc gỡ bỏ phim trên trang; “Căn hộ số 69” đã vi phạm việc chiếu phim khi chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng quy định nên mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa với nhà sản xuất phim là 10 triệu đồng; Cơ quan chức năng đã xử phạt 30 triệu đồng đối với đối tượng Trà Ngọc Hải (sinh năm 1990, trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), chủ sở hữu kênh YouTube: “Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life” khi đối tượng này chủ động cung cấp thông tin miêu tả hành động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các video clips phát tại kênh Youtube...
Điều đáng nói, rất hiếm cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ phạt hành chính vài ba chục triệu đồng. Việc xử phạt nhẹ hều khiến các số lượng các “nhà sản xuất” đông lên trông thấy trên mạng và họ thoải mái xả “rác văn hóa” để thu bộn tiền. Chẳng lẽ, các cơ quan chức năng bó tay?