Xử lý triệt để tình trạng tài khoản không chính danh để ngăn tội phạm lừa đảo

(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên họp ngày 21/11, thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tại phiên họp.

Tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu QH bày tỏ sự đồng tình các báo cáo của các cơ quan và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Các đại biểu cho rằng, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) nước ta gặp nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người lao động có thu nhập thấp.

Lợi dụng tình hình, tội phạm nổi lên phức tạp thêm, nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, các ngành tư pháp đã triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống tội phạm, đạt được nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác điều tra, phá án từng bước được nâng cao, các vụ án có tính chất nghiêm trọng đều được làm sáng tỏ.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ lo lắng về tình trạng một số loại tội phạm giảm không nhiều, thậm chí tăng, như số vụ giết người tăng hơn 12%, cướp tài sản tăng hơn 44%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 61%, cho vay nặng lãi tăng hơn 67%, tội phạm công nghệ thông tin, xâm hại trẻ em…

Nêu một số vụ việc, đại biểu nhấn mạnh về vụ Vạn Thịnh Phát, với hành vi làm khống cả ngàn hồ sơ để vay tín dụng trên một triệu tỷ đồng của ngân hàng SCB, trong đó, có trên 500.000 tỷ đồng tiền gửi của người dân.

“Thậm chí, trưởng đoàn thanh tra của ngân hàng nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Có thể nói, đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay và vụ án này có số lượng tiền bị chiếm dụng rất cao, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất. Vụ này có thể chỉ là bề nổi của một tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ, người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản, tiền của các đối tượng này trong vụ án”, đại biểu nói.

Đại biểu cũng đề cập tới ý kiến dư luận về việc có hay không sự "bắt tay" giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển tiền từ tiền gửi ngân hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư, hậu quả là có cả nghìn người đã gửi đơn khiếu nại; hay tình trạng tội phạm tham nhũng chức vụ tăng hơn 51% số vụ, số người tăng hơn 96%, trong đó tội nhận hối lộ tăng hơn 346%.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về thực trạng, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu những tồn tại, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm trên tất cả các lĩnh vực.

Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trước diễn biến tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, cần tập trung thực hiện thật tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội. Để làm tốt công tác này, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp vào cuộc cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý tội phạm.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Theo đại biểu, trong phòng ngừa tội phạm, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet để họ tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh, tố giác hành vi tội phạm.

Cùng với đó, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng khoa học, sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao; khắc phục cho được tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.

Băn khoăn về tình trạng tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đánh giá, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để ngăn chặn khá nhiều những hoạt động có hại trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thực sự được yên tâm, “vẫn còn hiện tượng nhẹ thì a dua, ném đá, nặng hơn thì tin giả, bịa đặt, lừa đảo, thậm chí là phản động, rất cần phải được ngăn chặn”.

“Mạng xã hội rất cần cho học tập, làm việc, thu thập tin tức, trao đổi, giải trí… nhưng chúng ta cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh”, đại biểu nói.

Dẫn quy định tại Luật An ninh mạng, đại biểu đặt vấn đề về việc xem xét để sửa đổi Luật An ninh mạng cho phù hợp hơn với sự phát triển của mạng xã hội và thử tăng lên khác lạ, phức tạp, tinh vi của tội phạm mạng.

Còn đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) kiến nghị cần có biện pháp xử lý triệt để tình trạng không chính danh của tài khoản tổ chức, cá nhân mở tại các ngân hàng, các trung gian thanh toán.

Theo đại biểu, nếu cải thiện được tình trạng này, việc lừa đảo chiếm đoạt tiền sẽ giảm mạnh.

“Không kẻ lừa đảo nào lại lừa chuyển tiền vào tài khoản chính danh của mình. Nói không quá khi cho rằng tình trạng không chính danh của tài khoản chính là phương tiện, nguồn cơn thúc đẩy nhiều hành vi phạm tội”, đại biểu nói.

Đại biểu kiến nghị, các ngân hàng thương mại, các trung gian thanh toán phải tự rà soát, đối chiếu với khách hàng. Ngân hàng nhà nước cần có quy định tài khoản ở các trạng thái hoạt động bình thường, hạn chế trừ chuyển đi, đang treo và hủy đóng.

Đồng thời, áp dụng công nghệ để các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và tổ chức công dân mở tài khoản tự thực hiện việc đối chiếu, tra soát định kỳ.

Đọc thêm