Xử phạt chủ cơ sở tiêm thuốc ngủ và bơm nước vào lợn

(PLO) - Ngày 31/3, Chi cục trưởng Chi cục Thú ý tỉnh Bình Dương đã xử phạt hành chính đối với ông Trần Quốc Thái với số tiền 10,5 triệu đồng về hành vi tiêm thuốc an thần Prozil fort (một loại chất cấm); đồng thời xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng đối với người cho ông Thái thuê đất dùng để tập kết đàn lợn tiêm thuốc an thần và bơm nước cho lợn trước lúc giết mổ bán ra thị trường. 
Xử phạt chủ cơ sở tiêm thuốc ngủ và bơm nước vào lợn

Như đã thông tin trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã bắt quả tang một cơ sở thu gom lợn tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát tiêm thuốc an thần và bơm nước cho đàn lợn trước khi giết mổ bán ra thị trường. 

Tại thời điểm kiểm tra, công an kinh tế và lực lượng chức năng đã bắt quả tang 6 công nhân tại cở sở trên đang đấu nối các vòi bơm nước cắm sâu vào miệng các con lợn đang lờ đờ thuốc an thần. Tiếp tục kiểm tra, gần 200 con lợn khác đều bị tiêm chích thuốc an thần nằm bất động tại chuồng. 

Qua xác minh, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt chai thuốc an thần mang nhãn hiệu Prozil fort vứt xung quanh cơ sở thu gom lợn. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 44 vỏ chai thuốc an thần nhãn hiệu Prozil fort đã qua sử dụng... 

Chủ cơ sở là ông Trần Quốc Thái (33 tuổi, quê Bến Tre) thừa nhận quá trình thu gom lợn từ địa bàn tỉnh Bến Tre đưa về Bình Dương sau đó tiêm thuốc an thần và bơm nước rồi xuất cho một cơ sở giết mổ tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bước đầu, cơ quan chức năng khai thác được số liệu mỗi ngày chủ cơ sở do ông Thái quản lý đã tiêm chích cho khoảng 300 con lợn và bơm nước cho lợn trước khi bán ra thị trường. Trong khi đó, thuốc an thần Prozil được cho là một loại chất cấm không được khuyến khích tiêm chích cho lợn. 

Khuyến cáo cho rằng tồn dư của Prozil trong thịt lợn có thể gây giãn nở mạch máu, hạ huyết áp, gây ảnh hưởng đến suy hô hấp, nhưng vì lợi nhuận những người buôn bán, kinh doanh lợn đã bất chấp để trục lợi. 

Trong khi đó, dư luận đang lên tiếng làm sao để quản lý các loại chất cấm được dùng bừa bãi trong chăn nuôi và quản lý như thế nào khi lỗ hổng này cứ tiếp diễn từ năm này qua năm khác?./. 

Đọc thêm