Xử phạt xe ô tô không chính chủ: Tiến thoái lưỡng nan!

(PLO) -Từ 1/1/2015, hành vi không đăng ký sang tên khi nhận chuyển nhượng, thừa kế, … đối với xe ô tô sẽ bị áp dụng chế tài với mức phạt cao nhất là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Xử phạt xe ô tô không chính chủ: Tiến thoái lưỡng nan!
Quy định về xử phạt xe không chính chủ đã được đề cập tại các văn bản pháp luật từ hàng chục năm trước, có nghĩa đây không phải là chế tài mới. Tuy vậy, hầu như người dân không mấy quan tâm, do đó công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm này cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. 
Nhằm lập lại trật tự trong công tác đăng ký xe, năm 2012, một lần nữa Chính phủ ban hành Nghị định 71/2012 với hy vọng sẽ giải quyết được cơ bản những xe chưa chịu sang tên, đổi chủ còn tồn đọng. Nhưng Nghị định này đã đưa ra mức phạt quá cao, khiến người dân phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước. Trước phản ứng của dư luận, cuối tháng 8/2013, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng phạt lỗi đối với hành vi chưa sang tên đổi chủ phương tiện.
Một năm sau, Nghị định số 171/2013 ra đời thay thế cho Nghị định 71/2012 theo hướng giảm mức tiền phạt và việc xử phạt có lộ trình cụ thể hơn. Theo đó, mức xử phạt đối với xe ô tô từ 1- 4 triệu đồng (trước đây từ 6-10 triệu đồng); thời điểm xử phạt đối với xe ô tô bắt đầu từ ngày 1/1/2015; với mô tô, xe máy từ 1/1/2017. 
Quy định gây hiểu nhầm 
Tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 171/2013 quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô; từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.”
Theo quy định của pháp luật dân sự thì “chủ xe” (chủ sở hữu) chính là người có tên trong Giấy đăng ký xe chứ không phải là người đã nhận quyền sử dụng từ việc mua bán hay hay cho tặng... Bởi lẽ, dù chủ xe đã giao xe cho bên mua nhưng chỉ khi nào hai bên hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng cũng như nộp thuế, phí đầy đủ với cơ quan chức năng thì lúc ấy quyền sở hữu mới được xác lập với bên nhận chuyển nhượng. Khi chưa hoàn tất thủ tục này thì người điều khiển phương tiện không được coi là chủ của phương tiện ấy.
Chính bởi vậy, theo cách hiểu thông thường thì chế tài tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định 171 là áp dụng đối với chủ sở hữu chứ không phải với người điều khiển xe. Vậy thì quy định này đang túm “người trọc đầu” chứ không phải  “người có tóc”. Trong khi với những chiếc xe đã trải qua nhiều đời chủ (do được chuyển nhượng nhiều lần) thì cơ quan chức năng có long tóc gáy cũng không thể lần ra dấu vết của chủ xe để xử lý.
Trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu xe chưa chắc đã là người sử dụng phương tiện đó (ảnh minh hoạ từ Internet)
Trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu xe chưa chắc đã là người sử dụng phương tiện đó (ảnh minh hoạ từ Internet)
Được biết, một trong những mục tiêu chính của việc xử phạt hành vi không sang tên phương tiện là nhằm xử phạt hành chính (phạt nguội) qua hình ảnh của camera. Muốn xử phạt vi phạm qua camera thì vấn đề mấu chốt là phải xác định phương tiện đó thuộc quyền sở hữu của ai, chứ không phải người điều khiển phương tiện đó là ai. 
Nhưng như phân tích trên thì “chủ sở hữu” và “người sử dụng” là hai khái niệm khác nhau. Thông thường, trong việc đăng ký và quản lý phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thì chủ sở hữu và chủ sử dụng là một, tuy nhiên trong nhiều trường hợp thì chủ sở hữu chưa chắc đã là người sử dụng và ngược lại.
Theo logic thì mục đích mà khoản 4 Điều 30 hướng tới là xử phạt người mua, người được cho, được tặng, được thừa kế …tài sản là xe ô tô mà không làm thủ tục đăng ký sang tên xe. Nhưng cách gọi “chủ xe” như Nghị định 171 đã khiến người đọc hiểu nhầm là cơ quan chức năng sẽ nhắm vào người đã chuyển nhượng…để xử phạt.
Bất bình đẳng trong xử lý
Không chỉ gây hiểu nhầm, Nghị định 171 còn tạo nên sự bất bình đẳng khi quy định: việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe. Quy định này có nghĩa, những người dù chưa sang tên phương tiện nhưng không gây TNGT ở mức nghiêm trọng thì chắc chắn sẽ không bị xử phạt (?!).
Nhiều ý kiến cho rằng, dù Chính phủ đã dành hẳn 1 năm để người dân có thời gian chuẩn bị khi làm thủ tục sang tên phương tiện (Nghị định 171/2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 nhưng chỉ xử phạt từ 1/1/2015). Nhưng tâm lý chung của hầu hết chủ phương tiện là “cơ quan chức năng chưa hỏi thì chưa làm”. Chính bởi vậy ai cũng có tâm lý “ăn may”, nếu đi cẩn thận thì tai nạn sẽ trừ mình ra.Và, khi không gây TNGT ở mức nghiêm trọng thì chắc chắn sẽ không bị Cảnh sát giao thông “sờ” đến.
Chính vì quy định tưởng như nhân văn và tạo thuận lợi cho người dân trong lưu thông phương tiện lại gây ra một hệ lụy không nhỏ, đó là sự thờ ơ, chủ quan của người dân đối với các quy định của pháp luật. Đọc quy định này, nhiều người ngầm hiểu rằng, nếu không gây TNGT, không đi đăng ký xe thì chẳng bao giờ họ bị xử phạt vì lỗi không làm thủ tục sang tên.
Liên quan đến việc đăng ký xe, một vấn đề cũng khiến không ít người thắc mắc, đó là quy định tại Điều 34 Thông tư số 15/2014 của Bộ Công an. Điều luật này nêu rõ: Xe ô tô, máy kéo,… đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người được giải quyết đăng ký sang tên theo quy định đến hết ngày 31/12/2014. Đối với xe mô tô hai bánh, xe gắn máy… được giải quyết đăng ký sang tên đến hết ngày 31/12/2016. 
Quy định trên có thể hiểu rằng, sau thời điểm được ấn định, các cơ quan chức năng sẽ không giải quyết việc sang tên và chính thức xử phạt những đối tượng cố tình không sang tên, đổi chủ phương tiện (đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người). Câu hỏi đặt ra, cơ quan chức năng sẽ giải quyết ra sao đối với những trường hợp chưa (hoặc cố tình) không thực hiện sang tên phương tiện sau thời điểm này? 
Nếu không giải quyết thì cơ quan chức năng phải chấp nhận cho sai phạm tiếp tục tồn tại? còn nếu xử phạt thì cũng không thể phạt nhiều lần, vì theo quy định của pháp luật, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Trong trường hợp này cũng không thể tịch thu xe của chủ phương tiện vì lỗi không sang tên đổi chủ. 
Không hướng dẫn cụ thể vấn đề này chắc chắn sẽ gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho chính lực lượng chức năng khi xử lý sai phạm./.

Đọc thêm