Xuân Đỉnh-Từ Liêm – Hà Nội coi thường người dân

Gần một năm nay, không chỉ công dân xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, mà người dân đến địa phương này khốn khổ khi lưu thông trên đường Xuân Đỉnh vừa chật lại bị cày xới nghiêm trọng. Đáng nói là góp phần đẩy người dân vào cảnh khốn khó có sự cẩu thả đến coi thường người dân của nhà thầu sửa chữa con đường này và sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Gần một năm nay, không chỉ công dân xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, mà người dân đến địa phương này khốn khổ khi lưu thông trên đường Xuân Đỉnh vừa chật lại bị cày xới nghiêm trọng. Đáng nói là góp phần đẩy người dân vào cảnh khốn khó có sự cẩu thả đến coi thường người dân của nhà thầu sửa chữa con đường này và sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Bất công...

Xuân Đỉnh có diện tích khá rộng, dân số đông được trải trên 5 thôn Đông, Trung, Nhang, Lộc, Cáo Đỉnh và Tân Xuân. Với chiều dài chừng 2km nối đường Xuân La (quận Tây Hồ) với đường Phạm Văn Đồng, trừ thôn Tân Xuân, đường Xuân Đỉnh chạy qua 4 thôn còn lại có vai trò “huyết mạch” của người dân địa phương khi bám đường có trụ sở Đảng ủy, UBND, công an và trạm y tế, trường cấp 1, 2 và 3 Xuân Đỉnh. Ngoài dân cư đông đúc, con đường còn là nơi lưu thông của một lượng lớn của người dân, phương tiện vãng lai từ đường Xuân La sang đường Phạm Văn Đồng và đặc biệt là học sinh theo học trường cấp 3 Xuân Đỉnh.

ùcwvg
Một số con đường Xuân Đỉnh, mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã cắm mốc mở rộng mấy chục năm nay nhưng vẫn không có gì thay đổi.

Vậy nhưng, hàng chục năm nay con đường này vẫn không có gì thay đổi khi chiều ngang chừng 6m, không hề có vỉa hè và ngày càng bị lấn chiếm, xuống cấp nghiêm trọng.

Điều đáng nói, cùng nằm trên một trục đường nhưng đoạn chạy qua phường Xuân La, quận Tây Hồ (đường Xuân La) thì con đường được mở rộng hàng chục mét với 4 làn xe, thảm nhựa phẳng lỳ và vỉa hè rộng thoải mái; Nhưng khi chạm cổng làng Xuân Đỉnh, con đường mang tên Xuân Đỉnh bị thắt nút cổ chai chiều rộng chỉ còn 1/3. Ông Trần Tuấn An – trú tại thôn Nhang ngậm ngùi: “Thật không công bằng, hai địa phương nằm sát nhau và cùng chung một trục đường, nhưng ngoài Xuân La thì đường rộng thênh thang, sạch sẽ; Xuân Đỉnh thì không những chật hẹp, xuống cấp mà còn bẩn thỉu, ô nhiễm”.

Theo người dân cho biết, trước đây cả đường Xuân La và Xuân Đỉnh đều bé như nhau, nhưng khi Xuân La thuộc về quận Tây Hồ thì được đầu tư mở rộng và nâng cấp. Còn đường Xuân Đỉnh, mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã cắm mốc mở rộng mấy chục năm nay nhưng vẫn không có gì thay đổi. Đã vậy, tình trạng người dân lấn chiếm để buôn bán, chợ búa, xe tải hạng nặng chở vật liệu xây dựng ngày đêm cày phá và sự gia tăng cơ học về dân số khiến con đường ngày càng thảm hại với ổ gà, ổ voi.

Bên cạnh đó, do không có hệ thống thoát nước đầy đủ nên mỗi khi mưa xuống hay vào mùa làm bánh, mứt con đường còn mang thêm trọng trách thoát nước thải với mùi xú uế nồng nặc. Bởi vậy mới có chuyện, Xuân Đỉnh trước đây luôn dẫn đầu thành phố về vệ sinh và y tế, nhưng gần đây địa phương này luôn là địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tả. Kêu mãi chẳng thấu, một số người dân tự bỏ kinh phí để nâng cấp theo kiểu chắp vá nhưng cũng chẳng được bao lâu đường lại bị ngập và lở lói.

Coi thường người dân

Mấy tháng trước đây, người dân Xuân Đỉnh khấp khởi mừng khi thấy có người dùng máy định vị ngắm nghía con đường: “Chắc là để mở rộng hoặc chí ít cũng nâng cấp”. Mấy tháng sau người dân thấy từng đoạn dọc theo con đường xuất hiện từng tốp thợ đào đất đặt cống hộp rộng chừng…40cm. Đã thế, cống được đặt xiên xẹo, vướng chỗ nào thì bỏ cách nhật chỗ đó mà không có sự kết nối thông suốt. Những đoạn song song với việc đặt cống, vỉa hè được lát gạch block sạch sẽ theo kiểu có đoạn hè…rộng hơn lòng đường.

Nhiều người lắc đầu, nhưng nghĩ chật hẹp nhưng được nâng cấp còn hơn không. Ai dè, sau nhiều tháng thi công một số đoạn được trải nhựa, nhiều đoạn còn lại chạy qua thôn Trung, thôn Đông bị đơn vị thi công đào bới, nhét cống xuống rồi để đấy, khiến đường đã chật lại càng chật hơn.

Bà Đào Hồng Thanh – Thôn Đông bức xúc: “Họ quá coi thường người dân. Không làm thì thôi, ai đời đào đường lên bỏ cống xuống rồi để đó đánh bẫy người đi đường. Hôm trước, trời mưa có chị chở con nhỏ đi học bằng xe máy, nhưng bị trượt bánh từ nắp cống khiến hai mẹ con ngã bẩn hết, con bé còn bị rách cả đùi”. Còn ông Trần Công Chính – Thôn Trung thì lắc đầu: “Con đường này sáng, chiều nào cũng tắc, lãnh đạo thành phố nên một lần xuống đây để chứng kiến nỗi khổ của người dân. Đơn vị thi công thiếu trách nhiệm, nhưng chính quyền địa phương cũng thờ ơ trước nỗi khổ của dân thì thật không còn biết nói gì”

Thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội cần nhanh chóng chỉ đạo kiểm tra thực trạng này. Nhiều người dân khi được hỏi đã thẳng thắn: Đã cắm mốc thì nên triển khai mở rộng, làm mới tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; nếu không cũng cần nâng cấp đồng bộ và nhanh chóng, chấm dứt ngay việc coi thường người dân khi công trình bị bỏ dở như hiện nay.

Lê Thanh

Đọc thêm