Đây là thông tin đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu nông sản xuất Việt Nam trong năm 2016, bởi từ một quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, gạo Việt đang giảm dần với khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 3,76 triệu tấn, thu về gần 1,6 tỷ USD. So với cùng kỳ, gạo xuất khẩu năm nay đã giảm 16% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị (Tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến trung tuần tháng 9, xuất khẩu rau quả đã đạt tổng giá trị kim ngạch là 1,7 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2015, tạm vươn lên xếp thứ 3 trong nhóm các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, xếp sau café và hạt điều, xếp trên xuất khẩu gạo về giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Theo đó, nhóm hàng rau quả đã "tạm thời" vượt qua mặt hàng gạo trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực thứ 3 của Việt Nam (đứng sau cà phê với trị giá 2,371 tỷ USD; hạt điều đạt 1,891 tỷ USD).
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với trị giá kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD (cập nhật theo thị trường đến hết tháng 8 của Tổng cục Hải quan), chiếm khoảng 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đến cùng thời điểm.
Các thị trường lớn khác như Canada đạt 112 triệu USD, Hàn Quốc đạt 59 triệu USD, Hoa Kỳ đạt 54 triệu USD… Mới đây, việc một số nông sản “lọt vào “mắt xanh” của các thị trường Úc, Nhật Bản đã cho thấy sự nỗ lực của ngành hàng này trong việc tham gia vào sân chơi chung quốc tế.
Liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu nông sản, còn một số mặt chủ lực khác có thể kể đến như: Hạt tiêu đạt giá trị 1,144 tỷ USD; cao su đạt 987 triệu USD; sắn và sản phẩm từ sắn đạt gần 720 triệu USD…