Theo lý giải của ông Đinh Cao Khuê, châu Âu (EU) đã là thị trường truyền thống của Việt Nam và thị trường này rất rộng lớn. Trong 8 tỷ dân trên thế giới, (EU) chỉ có khoảng 500 triệu dân nhưng riêng nhu cầu nhập khẩu rau củ đã chiếm khoảng 45%. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu hàng hóa về riêng rau củ của EU là rất lớn. Ngoài ra, do EU không trồng được một số loại rau quả nên họ ít sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như các nước khác nên cũng dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, theo ông Khuê, phải thẳng thắn nhìn nhận, châu Âu là thị trường yêu cầu kỹ thuật cao về cả số lượng và chất lượng, chưa kể hiện nay họ còn để ý đến việc cách thức doanh nghiệp sử dụng lao động và môi trường cảnh quan nhà máy ra sao.
“Nhưng nếu làm dần từng bước một thì chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước EU” - ông Khuê khẳng định. Đồng thời, ông Khuê gợi ý, doanh nghiệp Việt Nam nên liên kết lại, gắn bó, đồng hành với nhau, tìm kiếm những lợi thế của doanh nghiệp để gắn kết với nhau thì việc chinh phục thị trường EU sẽ không quá khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cũng khẳng định, cách đây khoảng chục năm EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Hiện nay EU đang đứng vị trí thứ 3 trong Top các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). EU cũng là một thị trường có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Nhưng xét về tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì có chiều hướng giảm. Cách đây khoảng 10 năm, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang EU khoảng 19-20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam nhưng sau đấy giảm dần. Đến năm 2021 thì tỷ trọng chỉ còn khoảng 12%. Như vậy, mặc dù kim ngạch tăng lên nhưng tốc độ tăng của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu Việt Nam đi tất cả các thị trường thế giới.
Theo khảo sát của VCCI thì yếu tố cản trở các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng, ngoài yếu tố lớn nhất là các biến động và sự bất định của thị trường và “là yếu tố ngoài thân chúng ta khó mà kiểm soát được” thì yếu tố lớn nhất, cản trở lớn nhất lại chính là năng lực cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp. Do đó, vấn đề chính là các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, bà Trang cho biết: “Theo như quan sát của chúng tôi thì doanh nghiệp bây giờ dễ dàng tiếp cận thị trường hơn trước đây bởi chúng ta có những cơ chế để doanh nghiệp có thể tự tin hơn. Nếu doanh nghiệp vẫn cảm thấy khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không đơn độc bởi có nhiều tổ chức, cơ quan bộ ngành sẵn sàng đồng hành”.
Ngoài ra, theo bà Trang, tiếp cận thị trường EU không chỉ là xuất khẩu trực tiếp vào đó mà doanh nghiệp còn có thể xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử. Đây là cơ hội để cho những doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có thể xuất khẩu được mà không phải đối mặt với những khó khăn về xuất khẩu.