Bên nào cũng cho rằng mình đúng
Trước đó, ngày 12/5/2016 8 đơn vị phát hành phim Việt (gồm BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers, VAA) “tố” CGV (thuộc Tập đoàn CJ Hàn Quốc) lạm dụng vị trí thống lĩnh và độc quyền thị trường để áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình.
Cụ thể, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%); còn phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ là 45/55 (nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).
Ngoài ra, các đơn vị này cho rằng CGV đang tận dụng lợi thế chiếm lĩnh 40 % cụm rạp ở Việt Nam để tăng thời lượng chiếu phim Hàn Quốc nhằm truyền bá văn hóa Hàn và áp đảo thị trường điện ảnh trong nước.
Tuy nhiên, trong Thông cáo báo chí hôm 18/8, CGV khẳng định mình bị “chơi xấu” và 8 doanh nghiệp sản xuất phim đăng tin kiến nghị, khiếu nại CGV “hoàn toàn thiếu căn cứ, có chủ đích và có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh”.
CGV còn nói thêm rằng, sự việc bị khiếu nại cộng thêm vụ “lùm xùm” từ bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được công chiếu trên cụm rạp của CGV đã được chia sẻ, bàn tán, bình luận trên cộng đồng mạng gây ảnh hưởng không ít đến uy tín của CGV trong hoạt động kinh doanh.
CGV khẳng định đã báo cáo việc này với Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) và sẽ khởi kiện các doanh nghiệp, cơ quan báo chí hoặc cá nhân đăng tải hoặc trích đăng lại những thông tin thiếu cơ sở, gây tổn hại cho doanh nghiệp.
Rõ ràng, xuất phát từ việc không đạt được “tiếng nói chung” trong thỏa thuận “ăn chia” lợi nhuận nên CGV và hàng loạt các nhà phát hành phim, các doanh nghiệp khác đã tạo“hiềm khích” với nhau trong thị trường điện ảnh Việt.
Ai cũng cho rằng mình đúng, ai cũng có lý lẽ riêng để minh chứng cho những hành động của mình là hợp lý. Liệu rằng, cách ứng xử như hiện tại của các bên trong môi trường kinh doanh điện ảnh ở Việt Nam đã phù hợp?
Ảnh hưởng uy tín, ảnh hưởng cả lợi nhuận
Liên quan đến những vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng sự cố trên đã khiến các bên đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự trong hoạt động kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp phát hành phim của Việt Nam (đặc biệt 8 doanh nghiệp “đầu tàu” là BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers, VAA) có thể bị giảm niềm tin từ đối tác “khủng” của lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam – CGV.
Còn đối với CGV, những ngày qua cộng đồng mạng liên tục nổ ra các “làn sóng” đòi tẩy tay CGV tại Việt Nam vì cụm rạp này đã “từ chối phát sóng phim Việt” hay “ưu tiên truyền bá văn hóa Hàn”. Hàng loạt các diễn đàn, fanpage… trên mạng bàn tán với những những bình luận không hề “hay ho” ít nhiều đã gây tổn hại đến uy tín của một trong những doanh nghiệp đứng đầu trong việc công chiếu những bộ phim ấn tượng trong nước và quốc tế tại Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, ngoài ảnh hưởng uy tín, danh dự thì 8 doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là BHD sẽ bị ảnh hưởng về lợi ích, doanh thu từ việc phát hành phim tại cụm rạp của CGV. Được biết, các cụm rạp của CGV đang chiếm tới 40 % thị phần trên thị trường điện ảnh Việt Nam. Do vậy, vụ “lùm xùm” khiến bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” mất đi nhiều chục tỷ đồng vì không được chiếu tại cụm rạp CGV.
Còn đối với CGV, “nước nổi thì bèo cũng nổi”, nếu như có sự đàm phán thành công, tránh được “xích mích” không đáng có như thời gian vừa qua thì có lẽ số tiền thu về với việc đồng ý cho bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” công chiếu tại các cụm rạp của mình sẽ không hề nhỏ. Đó là còn chưa nói đến việc hàng loạt cư dân mạng, các “fan” ruột của CGV đã thất vọng với những “tin đồn” trong thời gian vừa qua và nếu như hành động tẩy chay diễn ra thì lợi nhuận từ việc bán vé của CGV sẽ sụt giảm.
Các bên đều mong muốn đưa những bộ phim hay, có ý nghĩa đến với khán giả nhưng chính những lợi ích và sự thiếu đồng thuận trong đàm phán đã đẩy các bên đi vào những “thế bí” và từ đó đưa ra những ứng xử không hề “không ngoan” trong hoạt động kinh doanh của mình. CGV và các doanh nghiệp phát hành phim tại Việt Nam phải chăng nên ngồi lại để nói những điều phù hợp hơn thay vì mỗi bên đơn phương đưa ra “tối hậu thư” và cứ giữ “khư khư” quan điểm của mình.