Thế nhưng YTCS vẫn chưa đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người dân và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí làm suy giảm chất lượng của hoạt động khám chữa bệnh (KCB).
YTCS “èo uột” nên quá tải tuyến trên
100% số xã, phường, thị trấn đã có cán bộ y tế hoạt động, trong đó chỉ có 0,6% số xã chưa có cơ sở nhà trạm; 78,5% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, 98,2% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 88% số tổ dân phố và thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, trong đó 96,9% thôn bản vùng khó khăn có nhân viên y tế thôn bản, 65% số trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Số nhân lực y tế tuyến huyện là 109.000 người, trong đó có 19.000 bác sỹ (35% tổng số bác sỹ tại các địa phương).
Tổng số nhân viên y tế tuyến xã khoảng 71.000 người chiếm 23% tổng số nhân lực y tế của các tỉnh, trong đó có khoảng 8.500 bác sỹ. Hiện có 19/63 tỉnh thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện 2 chức năng – khám, chữa bệnh và y tế dự phòng; có 629 bệnh viện đa khoa tuyến huyện với 71.336 giường bệnh, 544 phòng khám đa khoa khu vực với 6.134 giường bệnh (chiếm 50,4% tổng số bệnh viện và 26,5% giường bệnh của cả nước). (Nguồn: Báo cáo của Bộ Y tế trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3).
Một trong những nguyên nhân của tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là tuyến T.Ư chính là do YTCS chưa được tin tưởng là “cơ sở KCB”. Các cơ sở y tế xã, phường, thậm chí là tuyến huyện chỉ thực hiện hoạt động y tế dự phòng, KCB đơn giản hoặc KCB cho các đối tượng có bảo hiểm y tế (BHYT) hay những người không đủ khả năng tài chính.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, người dân chưa tin tưởng hệ thống YTCS nên vượt tuyến gây quá tải ở tuyến trên từ 54-65% trường hợp có thể điều trị ở tuyến YTCS; 81,8% bệnh nhân vượt tuyến ở bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện, xã; 67,9 bệnh nhân vượt tuyến ở tuyến huyện có thể điều trị được ở tuyến xã.
Bộ Y tế cho biết, mạng lưới YTCS còn được đầu tư quá thấp nên hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu kinh phí để triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu do không được đưa vào kế hoạch phân bổ kinh phí của địa phương hoặc nếu có thì ở mức rất thấp, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Theo thống kê, hiện còn 460 Trung tâm y tế huyện làm một chức năng là y tế dự phòng, do đã tách riêng bệnh viện huyện; những trung tâm này hầu như chưa được quan tâm đầu tư nên cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều nơi còn chưa có trụ sở, phải ở tạm, nhiều nơi mới chỉ có nhà cửa, chưa có trang thiết bị nên không thể thu hút cán bộ y tế về công tác. Số trạm y tế xã được đầu tư không nhiều, trong thời gian qua mới đầu tư được khoảng 10% số trạm y tế xã.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ KCB BHYT tại tuyến huyện và xã là 72% nhưng tỷ trọng sử dụng quỹ BHYT chỉ là 32% Chi thường xuyên của trạm y tế thấp (nhiều trạm chỉ được 10-15 triệu đồng/năm - ngoài tiền lương). Khi tính lương vào giá KCB thì tính bình quân chung cho các bệnh viện, số tiền lương thu được ở trạm y tế xã rất thấp nhưng có địa phương đang yêu cầu các trạm y tế xã phải tự bảo đảm lương từ nguồn thu là chưa phù hợp.
Không những thế, hệ thống YTCS cũng chưa được thực sự quan tâm đến nguồn nhân lực để bảo đảm hoạt động. Đội ngũ nhân lực y tế thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng chuyên môn. Chế độ chính sách đãi ngộ cho viên chức y tế xã mặc dù đã có nhưng còn chưa phù hợp. Trong khi 72,6% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhưng số bác sỹ làm việc trong khu vực này chỉ chiếm 41% trong tổng số bác sỹ của cả nước và số dược sỹ chỉ chiếm 18% số dược sỹ cả nước. Còn xảy ra tình trạng “chảy máu” cán bộ y tế có trình độ cao từ địa phương về T.Ư, từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ các chuyên khoa ít hấp dẫn sang các chuyên khoa hấp dẫn, từ y tế công lập sang y tế tư nhân, từ nông thôn, miền núi về các TP lớn.
Tình trạng này càng khiến hệ thống YTCS đã yếu lại càng “èo uột”, năng lực cung ứng dịch vụ hạn chế, trạm y tế xã chỉ thực hiện được 52,2% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật; hiện còn khoảng 24% bệnh viện huyện (năm 2014) có công suất sử dụng giường bệnh dưới tải (<80%).
Luân phiên cán bộ để phát triển mạng lưới YTCS
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, nhiều ĐBQH muốn biết vai trò của trạm y tế xã sẽ được phát huy như thế nào và những giải pháp nâng cao chất lượng KCB để hệ thống YTCS thực sự là “người giữ cổng để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân”, giúp người dân không phải “lặn lội” đến các tuyến trên mỗi khi cần KCB ban đầu, thông thường và cấp cứu.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc người dân muốn tiếp cận các dịch vụ cao và muốn đến thẳng tuyến T.Ư là nguyện vọng chính đáng và hiện nay theo Luật BHYT đã có quy định với lộ trình đến năm 2021 sẽ triển khai thông tuyến toàn quốc. Tuy nhiên, ngành Y tế đang xây dựng và thực hiện thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh chương trình bệnh nhân có thể đến nhận các thuốc điều trị theo phác đồ ngay tại YTCS mà không cần lên tuyến trên. Còn giai đoạn đầu khi chẩn đoán phát hiện cần những các kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc thành lập các trung tâm y tế 2 chức năng là để thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản đầu mối và giảm biên chế. Trung tâm y tế cả 2 chức năng sẽ chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã về chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và điều trị trực tiếp. Vì nguồn nhân lực của trạm y tế xã rất khó khăn nên ngành có chính sách tăng nguồn nhân lực là bác sĩ của bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện sẽ luân phiên hàng tuần xuống trạm y tế xã. Mặt khác, ngành Y tế là ngành đặc biệt và có chuyên môn thì chỉ đạo từ trên sở y tế xuống trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã sẽ thông suốt. Như vậy, “lúc nào trạm y tế xã cũng có bác sĩ tuyến trên xuống và ngược lại nhân viên, bác sĩ của trạm y tế xã phải lên bệnh viện huyện để nâng cao thực hành và nắm được kỹ thuật cao” – Bộ trưởng giải thích.
Bộ cũng đã triển khai dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (gọi tắt là Dự án 585). Xây dựng các chính sách ưu đãi với cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ công tác tại vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa để thu hút và “níu chân” cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao “bám” địa bàn..., góp phần phát triển YTCS.
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Chưa rõ trách nhiệm về hạn chế của YTCS “Tôi đánh giá cao những nỗ lực và những chuyển biến, cũng như những kết quả mà ngành Y tế đạt được trong thời gian vừa qua. Nhưng trong Báo cáo số 650 ngày 9/6/2017 của Bộ gửi đại biểu Quốc hội có đánh giá đội ngũ nhân lực YTCS thiếu về số lượng và hạn chế chất lượng chuyên môn và thiếu về số lượng so với tỷ lệ dân số dẫn đến hệ quả là trạm y tế xã chỉ thực hiện được một nửa (52,2%) các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật là một nguyên nhân dẫn đến vượt tuyến. Đây không phải là vấn đề mới nhưng báo cáo chưa chỉ rõ trách nhiệm của ngành Y tế và giải pháp khắc phục tình trạng này.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh): “Chăm lo cho YTCS để người dân hưởng lợi sâu rộng nhất” “Chúng tôi thấy Bộ đã có đề án cho YTCS và chúng tôi cũng đồng tình để trạm y tế phải trực thuộc một nơi nào vì mấy năm nay chuyển liên tục trong các đơn vị trực thuộc. Ở đây chúng tôi cũng có băn khoăn về nguồn lực để chăm lo cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ cán bộ, nhất là nguồn đầu tư công chúng ta đã công khai mà không thấy hệ thống này trong trái phiếu Chính phủ. Hai là chế độ chính sách và thứ ba là tỷ lệ chi bảo hiểm y tế, nâng cao như thế nào để YTCS thực sự là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực sự tạo điều kiện để người dân hưởng lợi sâu rộng nhất với nguồn bảo hiểm y tế toàn dân sắp tới”.
ĐB Cao Thị Giang (Quảng Bình): “Nâng cấp” YTCS sẽ giảm tải cho tuyến trên” “Trong quá khứ chúng ta đã từng tự hào về điểm sáng của YTCS vì trên thực tế hệ thống YTCS đã góp phần quan trọng vào những thành tựu của ngành Y tế nói chung. Tuy nhiên, thời gian qua YTCS còn nhiều hạn chế không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh ở cơ sở và đó cũng là nguyên nhân làm quá tải các bệnh viện tuyến trên. Vì vậy, đổi mới phát huy vai trò của hệ thống YTCS hiện nay là góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh và chống quá tải cho bệnh viện tuyến trên”.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): “Y tế xã không có cả nhân lực lẫn trang, thiết bị” “Qua hoạt động giám sát của Quốc hội thì có khá nhiều địa phương kiến nghị về hiện trạng tổ chức YTCS mà họ cho rằng, phân tán nguồn lực và lãng phí ngân sách. Ở huyện thì vừa có phòng y tế, vừa có bệnh viện huyện, vừa có trung tâm y tế, nhất là phòng y tế ở huyện thì với 3 - 4 biên chế thì chỉ có lo việc tham mưu cho UBND cùng cấp để triển khai các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cũng đã không xong, không nói gì đến thực hiện 12 nhiệm vụ về y tế như quy định trong Nghị định 37. Y tế xã không có cả nhân lực lẫn trang, thiết bị. Thực trạng này cần được giải quyết ngay”.