Ngoài ra, theo ông Lâm, chúng ta đang thực hiện một loạt giải pháp như: bám sát nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp để có thể dự báo phụ tải tốt hơn, lập biểu đồ phụ tải phản ánh đúng của doanh nghiệp, giữa khu vực và toàn quốc để từng bước điều chỉnh các đỉnh của biểu đồ phụ tải phù hợp với khả năng, độ khả dụng của các hệ thống điện. Đồng thời, chúng ta thực hiện kiểm toán năng lượng.
Nhìn lại toàn bộ mục tiêu của Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, ông Lâm cho biết, Tập đoàn đang đặt ra mục tiêu năm nay tiết kiệm được 5,5 tỷ kWh và phấn đấu tiết kiệm 6 tỷ kWh đến hết năm 2024.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thực hành tiết kiệm điện, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng điện lãng phí, thiếu hiệu quả còn diễn ra. Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh nhìn nhận, phải chăng những chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó. Như vừa rồi chúng ta thấy, Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu, bia, xử phạt rất nặng. “Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục”, ông Sơn nêu vấn đề.
TS Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề điện năng lượng tái tạo đang được triển khai rất tích cực trong những năm vừa qua, nhưng vẫn có một số vướng mắc. Tới đây, Chính phủ phải chủ động để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa; cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người.