Yêu cầu các quận, huyện Hà Nội khẩn trương triển khai quản lý, điều trị F0 tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - F0 được quản lý tại nhà là người nhiễm bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ; SpO2 bằng hoặc trên 96%, nhịp thở dưới hoặc bằng 20 lần/phút; tuổi từ 3 tháng trở lên và 49 tuổi trở xuống. Các F0 này chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không mang thai...

Sở Y tế Hà Nội ngày 6/12 có Công văn hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà theo hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 2/12, về phương án thu dung điều trị "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn, áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Cụ thể, những đối tượng quản lý tại nhà (F0) là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính. Mức độ lâm sàng, gồm: Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ là sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, giảm vị giác, khứu giác…; SpO2 bằng hoặc trên 96%, nhịp thở dưới hoặc bằng 20 lần/phút; tuổi bằng hoặc trên 3 tháng và dưới hoặc bằng 49 tuổi. Ngoài ra, đối tượng F0 này chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin; không mang thai.

Sở Y tế Hà Nội đồng thời yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương thiết lập khu điều trị COVID-19 trong bệnh viện, bảo đảm vừa khám, chữa bệnh thông thường, vừa điều trị người mắc bệnh COVID-19. Đặc biệt, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị sớm cho người bệnh nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập cần thực hiện công tác tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện sớm ca bệnh COVID-19, xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ cho nhân viên y tế, người bệnh nội trú, người nhà người bệnh, đặc biệt ở các khoa hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo… theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, thực hiện khai thác, khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng, chuyển tuyến kịp thời.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, khi điều trị tại nhà, các F0 cần chuẩn bị:

Lưu số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe. Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.

Sẵn sàng khẩu trang y tế dùng 1 lần; Găng tay y tế sạch; Dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng; Dụng cụ cá nhân: bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.

Cần có nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2); Máy đo huyết áp; Điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế; Thùng rác thải y tế; Túi thuốc điều trị tại nhà; Có người thân chăm sóc.

F0 không được tự ý rời phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly tại nhà, không sử dụng chung vật dụng với người khác; không ăn uống cùng người khác; không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và khi chăm sóc.