Báo cáo Thủ tướng trong tháng 3
Trước bức xúc của dư luận về việc một số Bộ, ngành quy định các chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp với viên chức không phù hợp thực tiễn, trong ngày 19/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã ký văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc báo cáo nội dung liên quan đến các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức.
Theo đó, VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, Thủ tướng yêu cầu xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức. Bộ GD-ĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp. Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 này.
Thiếu nhiều quy định chuyển tiếp
Trả lời báo chí về việc thực hiện chỉ đạo trên, tại buổi họp báo của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có lịch sử từ năm 1993 khi làm tiền lương theo chế độ chức nghiệp.
“Về tiêu chuẩn được đề cập tại văn bản trên, ý Thủ tướng nói rằng cái nào dùng để bổ nhiệm ngạch chức danh; cái nào chỉ mang tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn (tức là phải cập nhật kiến thức) và cái nào bắt buộc, cái nào khuyến khích… Trên tinh thần đó, tôi đề nghị khi Vụ Đào tạo và Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ-PV) làm thì cố gắng rà soát điều này.
Tuy nhiên phải trên cơ sở phân cấp toàn diện theo Nghị quyết 99 của Chính phủ. Khi đã phân cấp thì phải rõ trách nhiệm của bộ quản lý ngành, lĩnh vực này. Chẳng hạn, tiêu chuẩn của giáo viên là Bộ GD&ĐT chủ trì và chịu trách nhiệm, Bộ Nội vụ sẽ tham gia để đảm bảo tương quan cân đối chung” - ông Thăng nêu rõ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Nghị định 101 ban hành năm 2017 trước khi có Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (năm 2019) và trước khi có phân cấp theo Nghị quyết 99 của Chính phủ, nên sẽ có nhiều thay đổi.
Do vậy, việc sửa Nghị định 101 phải đảm bảo sự liên thông, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cụ thể là thống nhất với nội dung tại Nghị định 106/NĐ-2020 về vị trí việc làm đối với viên chức và Nghị định 62/NĐ-2020 về vị trí việc làm với công chức.
Theo ông Thăng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 có rất nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, những nội dung tại Nghị định 62 và Nghị định 106 cũng quy định định rõ vị trí việc làm, bao gồm mô tả công việc, xác định khung năng lực… Để bắt nhịp với những thay đổi này, ngay tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Thăng đề nghị Vụ Công chức, viên chức khi xây dựng văn bản - cả nghị định và thông tư - phải có nội dung về quy định chuyển tiếp.
“Tất cả những cái hiện nay có vấn đề là do thiếu quy định chuyển tiếp. Ví dụ, bây giờ anh Minh (ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ-PV) là chuyên viên cao cấp mà thiếu chứng chỉ chuyên viên chính thì lại bắt đi học chứng chỉ chuyên viên chính hay sao? Cái đấy phải quy định chuyển tiếp cho những người phát sinh từ thời điểm ban hành thông tư, chứ không phải hồi tố”- ông Thăng dẫn chứng.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, trong một số nghị định, thông tư hiện nay thiếu rất nhiều quy định chuyển tiếp. Vì thế, khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ông đề nghị hết sức lưu ý điều khoản này: áp dụng từ nay trở đi ra sao, với những người cũ thì xử lý như thế nào?… “Quy định rõ như vậy mới có tính hiện thực, chứ bây giờ không có chuyển tiếp thì có nghĩa là hồi tố? Điều đó sẽ không thực tiễn”- Thứ trưởng Thăng nói.