Yêu cầu tăng cường kiểm soát đầu tư vào BOT

(PLO) - Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý diễn ra sáng qua (7/6) tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng kết luận tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng kết luận tại Hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chủ yếu là theo hình thức BOT, BT đã góp phần tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ các hình thức đầu tư, cải thiện nhanh chóng chất lượng hạ tầng giao thông, góp phần tích cực tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhưng “có những công trình khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán ban đầu, gây bức xúc trong xã hội, cần phải được chấn chỉnh”.

Thay đổi cách làm cho hiệu quả bền vững

Các chuyên gia đều nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của đầu tư hạ tầng giao thông đối với nền kinh tế song cũng lưu ý khi sử dụng phương thức đầu tư BOT và BT. Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư vẫn cho rằng, “BOT hay BT cần đặt trong chiến lược tổng thể hóa phân bổ nguồn lực trong chiến lược công nghiệp hóa để không dẫn đến sự méo mó phân bổ nguồn lực”.

Chỉ ra bối cảnh những năm tới liên quan đến giao thông, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, tiếp cận BOT thì nên đề cập hoặc là hài hòa lợi ích vì thực tế mức phí giao thông cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh đang gay gắt trong khu vực như hiện nay. Đồng thời “phải lưu ý để không gây bùng phát lạm phát từ các dự án BOT” – nguyên Phó Thủ tướng nhắc nhở. 

Thừa nhận, trong điều kiện để đảm bảo tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo từ 6,5 – 7%, áp dụng hình thức đầu tư BOT và BT hay PPP cho hạ tầng giao thông là cần thiết, cần phải mở rộng song ông Nguyễn Ngọc Bảo – Ban Kinh tế T.Ư cho rằng phải thay đổi cách làm, phân bổ nguồn lực này để đảm bảo hiệu quả bền vững. Cùng với đó là cơ chế bảo vệ nhà đầu tư và đa dạng hóa kênh huy động vốn trong và ngoài nước.

Khẳng định BOT là hình thức đầu tư tốt, mang lại diện mạo, chân dung lớn cho đường bộ Việt Nam, các chuyên gia cũng lưu tâm đến những bức xúc xã hội là hậu quả của việc chưa cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân khi DN muốn thu hồi vốn nhanh nên áp mức phí cao.

Do vậy, Nhà nước phải bù tiền cho DN để kéo dài thời gian thu phí, giảm mức phí nhằm giảm áp lực cho người dân, bảo toàn vốn cho DN. Đặc biệt, cần đẩy nhanh chuyện thu phí tự động để đảm bảo tính minh bạch, lợi ích của các bên tham gia và thụ hưởng từ các dự án BOT.

Tăng kiểm soát đầu tư vào BOT

“Có những công trình khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán ban đầu, gây bức xúc trong xã hội. Điều này làm tăng chi phí đầu vào sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, của nền kinh tế. Tình trạng này cần phải được chấn chỉnh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu về vấn đề còn tồn tại trong thực hiện các dự án BOT và BT hiện nay.

Hơn nữa, theo Phó Thủ tướng, hình thức đầu tư BOT, BT là một dạng của hợp tác công-tư (PPP), tuy nhiên vai trò của Nhà nước còn hạn chế. “Hiện chưa có cơ chế để Nhà nước phối hợp với tư nhân. Thay vì Nhà nước đầu tư một con đường 1.000 tỷ đồng, nếu thực hiện theo PPP, Nhà nước có thể cùng tư nhân thực hiện được 4-5 con đường, cũng với khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng”, Phó Thủ tướng phân tích. 

Hiện tại mới chỉ thu hút đầu tư BOT, BT chủ yếu vào hệ thống đường bộ nên để thực hiện được mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông vận tải (GTVT), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, gắn với đề án tái cấu trúc ngành GTVT, hướng tới phát triển hài hoà các phương tiện, loại hình GTVT. Ngành GTVT cũng chủ trì đề xuất danh mục các dự án ưu tiên để thu hút đầu tư; quy hoạch, định hướng các trạm thu phí, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua; tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng GTVT theo hình thức PPP. Các bộ, ngành cũng cần tăng cường kiểm soát Nhà nước về đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng bằng hình thức BOT.

Hơn 444.000 tỷ đồng vốn được rót vào các dự án BOT giao thông

Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý đã huy động được 444.040 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,64 tỷ USD).

Trong tổng số 186.660 tỷ đồng huy động từ tư nhân, đã triển khai 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Đến nay, đã giải ngân vốn tư nhân đạt 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) trong tổng nguồn vốn giải ngân giai đoạn này khoảng 397.213 tỷ đồng. Hai lĩnh vực chưa huy động được là đường sắt và đường hàng không.

Nhờ vậy, đã góp phần đưa vào khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư là 74.806 tỷ đồng, chưa kể 18 dự án khởi công trước năm 2011 với tổng mức đầu tư là 37.212 tỷ đồng cũng đưa vào khai thác giai đoạn này. Ngoài ra, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng. Dẫn số liệu từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2014 tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.

Đọc thêm