Yêu lịch sử, nghệ thuật qua những lần “lướt chuột” thăm bảo tàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các bảo tàng và di tích tạm dừng đón khách tham quan, công nghệ chính là cầu nối hữu hiệu nhất để các di tích và bảo tàng có thể tiếp cận với công chúng.

Công chúng có thể tiếp cận những hiện vật, bộ sưu tập ở bất kỳ đâu chỉ bằng các thiết bị cá nhân có kết nối mạng, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy công nghệ phát triển. Nhờ tham quan trực tuyến ảo, công chúng đã được bổ sung nguồn tri thức của nhân loại, mà không dừng lại ở công cụ giải trí đơn thuần.

Chiêm ngưỡng Bức Bình phong của họa sỹ Nguyễn Gia Trí qua công nghệ 3D.

Chiêm ngưỡng Bức Bình phong của họa sỹ Nguyễn Gia Trí qua công nghệ 3D.

Bước đột phá của hoạt động bảo tàng Việt

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong việc xây dựng một bảo tàng ảo tương tác 3D chứ không phải đến khi có dịch COVID-19, bảo tàng này mới nghĩ đến hình thức giới thiệu trưng bày ảo. Thời điểm cách đây 5 năm, khi xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D, tuy chỉ lựa chọn giới thiệu một phần giá trị nào đó và không thể thay thế bảo tàng thật nhưng bảo tàng 3D đã hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu về bảo tàng ảo tương tác 3D lần đầu tiên được ứng dụng cho việc giới thiệu hai khu trưng bày chuyên đề là “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Đây được coi là bước đột phá của hoạt động bảo tàng ở nước ta.

Từ năm 2020, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp tục phối hợp với Vietsotfpro nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và cập nhật, bổ sung nội dung thông tin, hoàn thiện chuyên đề giới thiệu bảo tàng ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với chủ đề: “Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần” bắt đầu từ ngày 12/9/2021.

Chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến đã thu hút gần 100 khách tham dự, được phân vào 2 phòng zoom. Hình thức tham quan online được kết hợp giữa thuyết minh với ứng dụng công nghệ 3D trên website Bảo tàng, cùng các phần mềm PowerPoint, Menti, trình chiếu video... đem tới nhiều góc nhìn và trải nghiệm mới cho khách tham quan thông qua các câu hỏi giao lưu và trò chơi mini game đã bổ sung thêm kiến thức, sự hiểu biết về sự hình thành, phát triển, vai trò của các triều đại Lý, Trần trong lịch sử dân tộc. Trên cơ sở kinh nghiệm và thành công của chương trình thử nghiệm trên, Bảo tàng đang tiếp tục ứng dụng thực hiện giới thiệu các nội dung trưng bày tiếp theo.

“Giờ học lịch sử và Câu lạc bộ Em yêu lịch sử” là hoạt động giáo dục hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia. Đây là mô hình đã trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách xã hội, học sinh không thể tham gia chương trình tại Bảo tàng, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học online thông qua ứng dụng Zoom.

Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet và được cán bộ Bảo tàng cấp mã là có thể vào Zoom tham gia lớp học. “Giờ học lịch sử” online miễn phí được thực hiện từ tháng 7/2020 đã thu hút nhiều học sinh tham gia. Tính đến 30/8/2021, Bảo tàng đã tổ chức được 275 buổi học với 5.360 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2, 3, 4, 5, 6 ở Hà Nội và các tỉnh, thành: TP HCM, Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An… (trong đó, có một số em là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài).

Vượt mọi rào cản không gian, địa lý

Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long vừa qua cũng ra mắt người xem triển lãm trực tuyến ảo 360 độ “Di tích cách mạng nhà và hầm D67”. Tại đây, khách tham quan sẽ được tìm hiểu 120 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, trưng bày giới thiệu về ba chủ đề chính gồm: Quá trình chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công; Nét đặc sắc trong chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng” và Niềm vui chiến thắng”.

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã ra mắt người xem triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” sử dụng công nghệ tham quan ảo bằng việc mô phỏng không gian triển lãm với kiến trúc giả lập tương đồng thực tế, giúp khán giả tham quan và tương tác trực quan trên mạng diện rộng, vượt mọi rào cản địa lý. Tại đây, du khách đã được xem các tài liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc thật như khi xem trực tiếp.

Sau một thời gian thử nghiệm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour gồm tiếng Việt và tiếng Anh, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra. Đặc biệt, video với độ phân giải cao giới thiệu 2 bảo vật quốc gia được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh và câu chuyện sẽ giúp du khách được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này.

Chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu trực tuyến trên website. Các triển lãm 3D của Bảo tàng Hồ Chí Minh hay triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” sử dụng công nghệ tham quan ảo do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức…

Triển lãm trực tuyến “Con đường độc lập” được đăng tải trên website vnfam.vn và trang Facebook chính thức của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 18 bức tranh từ 15 tác giả, nhóm tác giả sẽ góp mặt trong cuộc trưng bày, tái hiện nhiều sự kiện lịch sử như phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nông dân đấu tranh chống sưu thuế vô lý của Pháp những năm 1930-1931, các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ trong năm 1940, quần chúng nhân dân đánh chiếm Bắc Bộ Phủ năm 1945...

Loạt tranh xuất hiện ở đa dạng thể loại như sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ... sẽ phản ánh tóm tắt con đường hào hùng và đầy xúc động này; trong đó nhiều tranh khắc họa Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các cột mốc thời gian quan trọng. Đáng chú ý, cờ hoa rực rỡ trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập sẽ xuất hiện tươi đẹp, rạng rỡ trên tranh của họa sỹ Nguyễn Dương.

Trước đó, thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Việt Nam sau 30 năm bôn ba, ra đi tìm đường cứu nước được tái hiện trong “Mùa Xuân Bác về Pác Bó”, tranh bột màu của họa sỹ Dương Tuấn, phác họa sự kiện ngày 28/1/1941. Tác phẩm cũng gợi nhớ lại thời gian Bác cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra các quyết sách hoàn chỉnh đường lối cách mạng để giải phóng dân tộc đã dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới.

Bà Jelena Jovanovic, Trưởng phòng Nội dung và chiến lược xuất bản Magister Art chia sẻ kinh nghiệm của mình khi tiến hành thực hiện triển lãm tại các bảo tàng: “Triển lãm không chỉ đáp ứng cảm nhận trực tiếp, mà còn tích hợp thêm không gian trải nghiệm, kết quả cuối cùng là sự đồng sáng tạo của khách tham quan theo từng cấp độ cảm nhận khác nhau. Ngay từ ngày đầu chuyển đổi kỹ thuật số, chúng tôi đã chấp nhận các thử thách, nhấn mạnh giá trị, đưa ra giải pháp tài chính, hoạt động có sự gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực di sản văn hóa”.

Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Khó khăn lớn nhất với chúng tôi hiện nay là kinh phí cho thiết bị. Toàn bộ hệ thống máy chủ và máy chiếu chuyên dụng lại lên tới hàng triệu USD, mua thì không có kinh phí, thuê cũng rất tốn kém. Nếu sử dụng ngân sách làm triển lãm mà không bán vé để thu hồi vốn rất khó thực hiện. Để tổ chức thành công một số cuộc triển lãm, bảo tàng đã phải liên hệ với một số nhà tài trợ, một số đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ miễn phí. Thêm vào đó, Bảo tàng cũng gặp khó khăn về nhân lực vận hành từ khâu chuẩn bị cho đến bảo trì, bảo dưỡng máy móc khi gặp sự cố”.

Bà Trần Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học đồng cảm, Bảo tàng đang gặp phải những hạn chế về nguồn lực, bao gồm việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, kinh phí đầu tư duy trì và bảo dưỡng quá lớn, nguồn nhân lực tại chỗ thiếu và yếu - đặc biệt là nhân lực về công nghệ cao, thêm vào đó những chuyên gia công nghệ cũng ít am hiểu về các hoạt động của bảo tàng.

Hiện một số bảo tàng đang từng bước vượt qua khó khăn, tìm hướng đi chuyển đổi số thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật phong phú, đặc sắc Việt Nam.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định đây sẽ là một cú huých để các điểm du lịch văn hóa nói chung và hệ thống các bảo tàng nói riêng có động lực chuyển mình, bắt kịp với xu hướng trên thế giới, tạo ra những trải nghiệm mới, thú vị và tiện lợi cho du khách.

Đọc thêm