Theo tờ Inquirer của Philippines, nhận định trên của ông Poling được đưa ra trong một phân tích về tình hình biển Đông trong năm 2016. Theo đó, ông này cho rằng 2016 sẽ là một năm căng thẳng hơn ở biển Đông, đặc biệt là với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này như Philippines. “Đây hứa hẹn sẽ là một năm bước ngoặt đối với các nước có tuyên bố chủ quyền và các nước có lợi ích trong tranh chấp ở biển Đông” – ông nhận định.
Theo ông Poling, các “động lực” khiến năm nay là năm bước ngoặt bao gồm: phán quyết được trông đợi của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc; việc Trung Quốc thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự trên các thực thể mà nước này đã tiến hành hoạt động cải tạo và có thể thực hiện các cuộc tuần tra trên không và tuần tra hải quân gây ảnh hưởng tới ngư dân Philippines, Malaysia và Việt Nam; và sự tham gia của các cường quốc lớn hơn như Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Về vụ Philippines kiện phản bác yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn chiếm gần như toàn bộ vùng biển Đông do Trung Quốc ngang ngược đưa ra, ông Poling dự báo, Tòa Trọng tài thường trực của Liên Hợp quốc (LHQ) sẽ gần như chắc chắn ra phán quyết rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc không phải là một tuyên bố chủ quyền hàng hải hợp pháp”, và rằng Trung Quốc không được hưởng bất kỳ quyền lịch sử nào ngoài các chế độ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ông Poling cũng cho rằng quyết định của Tòa trọng tài sẽ là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả 2 bên, bất chấp việc Bắc Kinh từ chối tham gia vào quá trình xét xử hay không công nhận thẩm quyền của Tòa. Theo ông này, phán quyết của Tòa sẽ buộc Trung Quốc phải làm rõ các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình dựa trên các quyền lợi mà nước này có thể được hưởng từ các thực thể đất chứ không phải là những đường vẽ mơ hồ trên một tấm bản đồ.
Cũng theo Giám đốc AMTI, việc từ chối thực hiện phán quyết sẽ làm suy yếu khẳng định của Trung Quốc rằng nước này là một cường quốc đang lên có trách nhiệm và xứng đáng đóng một vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu. “Điều đó sẽ khiến các nước khác lo ngại về những cam kết của Trung Quốc và đẩy các nước trong khu vực tới gần Tokyo và Washington hơn” - ông Poling nói.
Vẫn theo học giả trên, những tổn thất này có thể sẽ khiến Bắc Kinh phải thỏa hiệp về chính trị. “Trung Quốc có thể sẽ đồng ý xác định lại đường 9 đoạn dựa trên UNCLOS thay vì các quyền lịch sử và tham gia vào các cuộc đàm phán thực chất để đổi lấy việc Philippines hủy bỏ đơn kiện và đồng ý thực hiện các hoạt động phát triển chung.
Trong khi đó, phát biểu tại Washington tuần trước, Giám đốc chính sách châu Á của Nhà Trắng Daniel Kritenbrink cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ có tính ràng buộc thực thi đối với cả Philippines và Trung Quốc vì cả 2 nước này đều đã phê chuẩn UNCLOS.