Bắn rơi máy bay trên hồ Hữu Tiệp: Sẵn sàng nghênh đón B.52

(PLO) - Đến tận thời điểm này, 43 năm sau chiến công xuất sắc, những cựu chiến binh của Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc trong trận đánh lịch sử, buộc Mỹ phải rút lui và bước lên bàn đàm phán. Những chiến sĩ góp phần làm nên chiến thắng giờ đều đã ở tuổi ngoài 60, nhưng mỗi khi được nhắc nhớ, gương mặt họ vẫn rạng rỡ, những nụ cười sảng khoái, hạnh phúc khiến họ như trẻ hơn…
Ông Chiêu và ông Dư trong một lần đi thăm chiến tích ở hồ Hữu Tiệp
Ông Chiêu và ông Dư trong một lần đi thăm chiến tích ở hồ Hữu Tiệp
“Đội này liều”! 
Ông Lê Đức Dư, một chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 72 cho biết, ngày 23/12/1972, cả tiểu đoàn được lệnh hành quân về Hà Nội bảo vệ vòng ngoài. Nguyên trong đêm 25, cả tiểu đội tập trung triển khai trận địa. Đại Chu (xã Đại Chu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) khi ấy có hơn 150 ngôi mộ, trong đó có 4 mộ vừa chôn. 
Sau khi nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ Hà Nội trước những trận tấn công của B52, người dân Đại Chu quyết định bốc toàn bộ khu mộ đi để nhường không gian cho ô tô, xe tăng vào trận địa. “Tinh thần yêu nước thực sự dâng lên rất cao” — ông Dư tự hào kể lại. 
Tiếp lời, ông Dư cho biết cả tiểu đoàn được lệnh vào trận, ngồi trên xe điều khiển chỉ có 11 người, người lái đạn trực tiếp chỉ có 3 người nhưng để phục vụ cho 11 người đánh cần hơn 100 người. 
Lúc bắt đầu vào Việt Nam, B.52 bay ở độ cao 30.000m, khi đến bầu trời Hà Nội thì độ cao lại ở khoảng 60.000 - 70.000m. Lúc này phương vị đã phát hiện ra. 
Khi phát hiện ra, hỏi ý kiến thì Tiểu đoàn trưởng đồng ý đánh, bắt đầu bám sát. B.52 gây nhiễu kinh khủng, màn hình trắng xóa nhưng toàn bộ ekip vẫn cương quyết tập trung bám. 
Trắc thủ góc tà, người trực tiếp lái đạn bắn B.52 - ông Nguyễn Đức Chiêu, tự hào cho biết: Trong 34 chiếc B.52 bị bắn rơi thì 33 chiếc đã cắt bom, riêng chiếc B.52 bị bắn rơi ở hồ Hữu Tiệp lại chưa kịp cắt bom. Khi 3 chiếc B.52 bay vào bầu trời Hà Nội thì có khoảng trên 60 máy bay tường kích tiêm kích bay hộ tống, bảo vệ trên dưới, trong ngoài, sau trước, phải trái. 
Nhận được bất cứ một tín hiệu nhỏ nào chúng đều sẵn sàng đánh luôn. Đó là lý do mà trong một lần gặp mặt kíp bắn rơi chiếc máy bay này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải thốt lên: “Đội này liều!”. 
Giải thích về việc này, ông Dư nói:  Khi B.52 đang bay vào mà mình phát sóng thì tất cả các máy bay bảo vệ nó đều nhận được tín hiệu sóng, lập tức nó tự động ấn nút phóng, tên lửa của nó sẽ lợi dụng cánh sóng của mình, mình đi đâu nó đi theo đấy. 
Nó chủ động hơn mình, cứ nhăm nhăm bắn vào mình. Do đó việc bắn B.52 khi nó đang bay vào thực sự quá nguy hiểm. Trong khi đó Tiểu đoàn 72 (đóng quân ở Hải Phòng) được đào tạo để bắn máy bay hải quân. 
Ông Chiêu cho biết: Thủ đoạn đánh và nhiễu sóng của máy bay hải quân khác, đặc biệt so với không quân. Đánh máy bay hải quân rất khó vì máy bay hải quân nhỏ, quái hơn, khó đánh hơn, đánh không được nó quay lại bắn trả là xác định… hy sinh luôn. 
Nhưng để đánh được B52 trong điều kiện xung quanh nó luôn là tầng tầng lớp lớp F4, F111 bảo vệ, chưa kể có B52 giả nữa thì không phải vấn đề đơn giản. 
B.52 rơi trên hồ Hữu Tiệp.
B.52 rơi trên hồ Hữu Tiệp. 
Quyết định bắn đón đầu… 
Ông Phạm Văn Chắt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 nhớ lại: “Tôi không thể quên những lời Bác Hồ căn dặn khi đến thăm đơn vị. Lúc ấy là thời điểm đỉnh cao của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc lần thứ nhất. 
Bác đã dặn: “Sớm muộn Mỹ sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, các chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, Mỹ đã hủy diệt thủ đô Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ cũng sẽ nhất định thua nhưng chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. 
Và đúng như lời tiên đoán của Người, Mỹ đã thực hiện chiến dịch hủy diệt Hà Nội, quyết đưa Thủ đô của ta về thời kỳ đồ đá bằng không lực. Ông nhớ lại, đêm 23/12/1972, khi đó Tiểu đoàn 72 được giao nhiệm vụ đánh địch bảo vệ thành phố Hải Phòng. 
Đang đánh, Tiểu đoàn nhận lệnh hành quân khẩn về Hà Nội để tăng cường bảo vệ thủ đô. Ngay trong đêm đó, 100 ô tô gồm các loại từ xe TZM, xe bệ phóng, pháo cao xạ, xe chỉ huy, hậu cần và toàn bộ lính Tiểu đoàn lên đường. 
Cuộc hành quân được chia theo 2 hướng: Một hướng đi đường 5, từ Hà Nội lên Hải Phòng, một hướng theo đường Hải Phòng - Thái Bình - Hải Dương - Hà Nội. Sau khi vượt gần 200km qua các làng xóm, phố thị và phải che giấu đội hình ban ngày cũng như ban đêm để tránh các cuộc đánh phá ác liệt của máy bay địch, tối 25, cả Tiểu đoàn có mặt tại trận địa Đại Chu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. 
Ông Chắt kể: “Cả tiểu đoàn hối hả, hành quân gấp trong đêm với phương châm: “Đi nhanh, đến đủ, trụ vững, đánh thắng, đơn vị an toàn”. Ngay trong đêm đó, cả Tiểu đoàn có mặt tại trận địa Đại Chu. Triển khai xong trận địa, tôi được cấp trên khích tướng: “Các đồng chí có biết Tiểu đoàn 77 của đồng chí Đinh Thế Văn đánh B.52 thế nào chưa ? Họ đã “sờ gáy” Nixon rồi đấy”.
Ông Chắt chợt nghĩ đến và cho rằng cách đánh của ông Văn là “có lý” nhất: vượt trước nửa góc, nôm na là bắn đón đầu. Vấn đề là mình làm sao xác định cho được đâu là B.52 giả, đâu là chính nó. 
Thường thì khi vào cự ly 32.000m, đám máy bay chầu rìa, bảo vệ B.52 sẽ dạt ra hết, chỉ mỗi mình nó lao về hướng trút bom. Lúc ấy mình “ấn nút” tên lửa thì nó chạy đằng giời”. 
Quan sát màn hình, cảm nhận thấy mục tiêu di chuyển vào điểm “chết”, ông Chắt đã ra lệnh cho sỹ quan điều khiển hành động ngay. Sau khẩu lệnh, hai dòng lửa vụt sáng xé tan màn đêm, rồi một chùm lửa bùng lớn cháy thắp sáng một góc trời. 
Lặng im trong khoảnh khắc rồi cả trận địa vỡ òa hô vang: “Nó (B.52) cháy rồi”. Đó chính là chiếc máy bay rơi xuống làng hoa Ngọc Hà đêm 27/12/1972 khi mà chúng chưa kịp cắt bom hủy hoại thủ đô Hà Nội…/.

Đọc thêm