Ứng Hòa, Hà Nội: Chưa xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp

(PLO) - Sau khi lấn chiếm đất nông nghiệp, nhiều hộ dân và cán bộ thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh còn ngang nhiên chuyển mục đích sử dụng khi tiến hành xây dựng trái phép nhà xưởng, cơ sở sản xuất trên đất. Quá trình sản xuất, các cơ sở này còn đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường.
Xưởng sản tăm tre của ông Đỗ Xuân Trường (thôn Hoa Đường) xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại.
Xưởng sản tăm tre của ông Đỗ Xuân Trường (thôn Hoa Đường) xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại.
Lấn chiếm đất nông nghiệp vô tội vạ
Nhiều năm nay, ông Cao Văn Hoa (SN 1974, trú tại thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh đã có đơn tố cáo những vi phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn xã Trường Thịnh. Mặc dù UBND huyện Ứng Hòa đã có kết luận về những vi phạm này từ năm 2013 nhưng đến nay việc xử lý vẫn chỉ là… “trên giấy”. 
Đơn tố cáo của ông Hoa đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của những cá nhân hoặc cán bộ thôn Hoa Đường lấn chiếm hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp để xây dựng các cơ sở sản xuất như tăm tre. Trong số này phải kể đến gia đình các ông Lê Văn Dân, Cao Xuân Hồng, Cao Văn Ngự, Đỗ Xuân Trường, Nguyễn Văn Vỵ, Nguyễn Kim Cương…
Cụ thể, trong thời gian ông Cao Văn Ngự làm Trưởng thôn Hoa Đường đã vi phạm trong lĩnh vực đất đai như: lấn chiếm đất công, xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp, tự ý bán hàng ngàn mét vuông đất công ngay cạnh chùa Dư Khánh, đất ở khu vực Đầm Đá (đều giáp quốc lộ 21B) cho một số gia đình. Không những vậy, ông Ngự đứng “mua” 2 mảnh đất tại khu vực Đầm Đá rồi tự ý xây dựng cơ sở sản xuất tăm tre trái phép.
Tiếp đó, ông Đỗ Xuân Trường -nguyên Trưởng thôn Hoa Đường cũng có hành vi lấn chiếm đất công tại Đầm Đá rồi dựng xưởng sản xuất tăm tre. 
Ngoài sai phạm của hai người nguyên là trưởng thôn, đơn tố cáo còn nhắc đến gia đình ông Lê Văn Dân và ông Cao Xuân Hồng vì cũng đã dựng xưởng sản xuất tăm trái phép trên hàng ngàn mét vuông đất trồng lúa tại cánh đồng Thối ngay cạnh nhà văn hóa thôn. Không những thế, trong quá trình sản xuất, các xưởng này còn gây khói bụi, đổ phế thải, mùn cưa ra môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân… 
Xử lý “trên giấy”
UBND huyện Ứng Hòa đã có Kết luận số 18/KT-UBND ngày 21/01/2013 (do Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Đình Trường ký) khẳng định nội dung tố cáo đối với ông Cao Văn Ngự là có thật. Nhưng vụ việc đã được UBND huyện xác minh, kết luận và xử lý theo Thông báo số 47/TB-UBND ngày 12/8/2005 nên không xem xét lại... 
Tuy nhiên, theo ông Hoa ì với những sai phạm này, ông Ngự chỉ bị UBND xã Trường Thịnh kiểm điểm, kỷ luật “cảnh cáo” là không thỏa đáng, thiếu răn đe bởi ông Ngự không những lấn chiếm đất cho riêng mình mà từ năm 2004, ông Ngự và vợ là bà Vũ Thị Phượng còn được thôn Hoa Đường giao đất trái thẩm quyền 240m2 đất. Qua kiểm tra đo đạc thì thấy mảnh đất gia đình 
ông Ngự đang sử dụng có diện tích lên tới 670,6m2, trong đó: 240m2 đất do thôn Hoa Đường cấp trái thẩm quyền; 430,6m2 đất đang sử dụng của tập thể trồng cây, rau màu và làm khu chăn nuôi. 
Bên cạnh đó, kết luận của UBND huyện Ứng Hòa còn nêu việc ông Ngự sản xuất gạch bê tông chưa đăng ký kinh doanh và chưa làm bản cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Đối với trường hợp ông Đỗ Xuân Trường, Kết luận số 18/KL-UBND nêu, trong thời gian làm trưởng thôn từ năm 2010, ông Trường xây dựng một xưởng sản xuất tăm tre trên quỹ đất công do UBND xã Trường Thịnh quản lý. Qua kiểm tra, phần diện tích xây dựng xưởng sản xuất tăm nay là 334,38m2, trong đó có 240m2 đất của ông Thủy (em ông Trường) nhận chuyển nhượng của ông Lê Khắc Hải (thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu) còn lại 94,38m2 nằm trong hợp đồng diện tích thầu ao thả cá với UBND xã Trường Thịnh.
“Việc ông Đỗ Xuân Trường xây dựng đặt máy sản xuất tăm là trái hợp đồng. UBND xã Trường Thịnh không có những biện pháp ngăn chặn xử lý, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã thời kỳ 2004-2011”- kết luận nêu. 
Trong quá trình sản xuất tăm, xưởng của ông Trường còn đổ phế thải, mùn tre ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm môi trường rồi chiếm luôn cả lối đi vào các ngôi mộ đã được an táng lâu năm tại khu vực Đầm Đá, Thượng Tiến, cản trở việc thăm viếng của những gia đình có mộ an táng ở đây. UBND huyện giao UBND xã Trường Thịnh được giao xây dựng phương án xử lý trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với ông Cao Văn Ngự; xử lý theo thẩm quyền đối với ông Đỗ Xuân Trường; tổ chức quy hoạch đường vào khu Đầm Đá, Thượng Tiến để tạo điều kiện cho các gia đình có những ngôi mộ an táng thăm viếng, thắp hương. Đình chỉ việc sản xuất gạch của ông Ngự và sản xuất tăm đối với ông Trường… Đồng thời giao Phòng Nội vụ tham mưu tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân: Chủ tịch, cán bộ địa chính xã Trường Thịnh nhiệm kỳ 2004-2011 trong công tác quản lý đất đai, môi trường…
Theo quan sát của phóng viên cũng như phản ánh của ông Hoa thì những sai phạm trên chưa được xử lý dứt điểm. Hiện, xưởng sản xuất tăm tre của ông Đỗ Xuân Trường và một số hộ dân … vẫn hoạt động bình thường. Không hiểu sao UBND huyện Ứng Hòa và UBND xã Trường Thịnh không có phương án xử lý dứt điểm những vi phạm đã được kết luận?