Tránh dàn trải trong nghiên cứu nhiệm vụ khoa học cấp Bộ

(PLVN) - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại cuôc họp Hội đồng khoa học Bộ cho ý kiến về đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp Bộ năm 2020 diễn ra ngày 14/5. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cùng tham dự cuộc họp.
Tránh dàn trải trong nghiên cứu nhiệm vụ khoa học cấp Bộ

Báo cáo tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết Viện đã rà soát các đề xuất để tránh sự trùng lặp các nội dung đã có công trình nghiên cứu; thảo luận, đánh giá trên cơ sở mục tiêu, tính cấp thiết, nội dung nghiên cứu chính, dự kiến kết quả đầu ra và khả năng ứng dụng sản phẩm của các đề xuất. Đồng thời Viện đã chủ động mời các chuyên gia tham vấn ý kiến. Trên cơ sở đó, Viện đã tổng hợp, dự kiến phân loại 35 đề xuất theo các nhóm ưu tiên và dựa vào một số tiêu chí để xếp loại ưu tiên.

Cụ thể, nhóm ưu tiên 1 có 13 nhiệm vụ và dựa trên 3 tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên là tính cấp thiết và tính mới. Theo đó, các nhiệm vụ thuộc nhóm này liên quan trực tiếp tới việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp cần được nghiên cứu ngay để giải quyết các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành ở thời điểm đề tài/đề án dự kiến được nghiệm thu (từ cuối tháng 10/2021 trở đi). Đây cũng là thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra mạnh mẽ. Nhiệm vụ chưa được Bộ Tư pháp hoặc các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu trong ít nhất khoảng 5 năm trở lại đây.

Tiêu chí thứ hai là tính hữu ích, các nhiệm vụ này phải giải quyết được vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay với địa chỉ ứng dụng rõ ràng. Tiêu chí thứ ba là quy mô và tính chất nhiệm vụ cần đảm bảo phù hợp với đề tài/đề án nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Nhóm ưu tiên 2 gồm 6 nhiệm vụ. Đây là các đề xuất có nội dung về cơ bản đáp ứng các tiêu chí của nhóm ưu tiên 1. Tuy nhiên, tính cấp bách của việc nghiên cứu chưa bằng các nhiệm cụ của Nhóm ưu tiên 1 nhưng có thể triển khai trong năm 2020 nếu nguồn kinh phí đủ để đáp ứng.

Nhóm ưu tiên 3 gồm 17 nhiệm vụ. Đây là các đề xuất có nội dung chưa cần triển khai ngay trong năm 2020 hoặc chưa phù hợp với tính chất, phạm vi của nhiệm vụ khoa học cấp Bộ hoặc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.


 Căn cứ vào tiêu chí và kết quả tư vấn các nhiệm vụ và thực tiễn bố trí nguồn kinh phí khoa học trong những năm gần đây, Viện Khoa học pháp lý đề xuất Hội đồng khoa học Bộ tham mưu, tư vấn cho Bộ trưởng cân nhắc lựa chọn các phương án cụ thể. Trong trường hợp Hội đồng khoa học Bộ thấy cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm tốt hơn nguồn kinh phí các nhiệm vụ khoa học năm 2020 thì chỉ cần lựa chọn các nhiệm vụ thuộc Nhóm ưu tiên 1. 

Trong trường hợp Hội đồng khoa học Bộ thấy có nhiều nhiệm vụ cần được nghiên cứu để đáp ứng các yêu cầu xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch và các hoạt động quản lý nhà nước của Ngành, của Bộ thì có thể lựa chọn và mở rộng thêm cả một số nhiệm vụ khoa học thuộc Nhóm ưu tiên 2.

Theo nhận định của PGS.TS Bùi Đăng Hiếu, các nhiệm vụ khoa học đã bám sát hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp tuy nhiên còn thiên về lĩnh vực quản lý hành chính mà thiếu vắng các nghiên cứu trong từng mảng pháp luật cụ thể. Do đó, cần cân nhắc thêm để đảm bảo cân đối giữa nhiệm vụ trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Theo đó, ông Hiếu đề xuất đề tài về xung đột giữa các quyền dân sự trong bối cảnh kỷ nguyên số, thực trạng và định hướng giải quyết. Chung quan điểm, PGS.TS Tô Văn Hòa đề xuất đề tài về hiện tượng công lý tự phát.

Còn theo GS.TS Phan Trung Lý, các nhiệm vụ trong danh mục nhiệm vụ khoa học cấp Bộ năm 2020 đều cần thiết, có ý nghĩa, giá trị riêng và xuất phát từ thực tiễn pháp lý của đất nước. Nhất trí với các tiêu chí mà Viện Khoa học pháp lý đề cập, song, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng còn nhiều đề tài lặp lại, chủ yếu là đề tài riêng lẻ trong từng lĩnh vực nên cần bổ sung đề tài mang tính khái quát chung của Bộ, ngành Tư pháp, của nền Tư pháp để giải quyết các vấn đề đặt ra của đất nước.

Sau khi nghe các góp ý, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đồng tình với 3 tiêu chí để xác định các nhiệm vụ vào nhóm ưu tiên 1 mà Viện Khoa học pháp lý đã đề xuất. Về số lượng, Thứ trưởng cho rằng từ 12 đến 14 đề tài/đề án là phù hợp, song cần có khoảng trống để bổ sung đề tài/đề án cấp thiết.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu Viện Khoa học pháp lý cần tiếp thu, chỉnh lý, làm việc với các đơn vị để truyền đạt các góp ý của Hội đồng Khoa học Bộ. Nhất trí với các tiêu chí, Bộ trưởng đề nghị cần tập trung làm rõ đồng thời rà soát kỹ lưỡng để các nhiệm vụ không bị quá dàn trải trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Theo đó, dự kiến một số nhiệm vụ khoa học thuộc nhóm ưu tiên 1 được tập trung thực hiện gồm: Cơ sở lý luận, thực tiễn và những định hướng lớn trong xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật; Ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Cơ chế đánh giá chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay; Đổi mới công tác pháp điển hệ thống QPPL của Việt Nam nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng Bộ Pháp điển; Bồi dưỡng cán bộ Tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến… 

Đọc thêm