10 giờ nghẹt thở giải cứu con tin

Sau hơn 10 giờ đàm phán và dùng vũ lực, cuộc khủng hoảng con tin ở Philippines đã kết thúc vào tối 23-8 với 8 người thiệt mạng, trong đó có thủ phạm.

Sau hơn 10 giờ đàm phán và dùng vũ lực, cuộc khủng hoảng con tin ở Philippines đã kết thúc vào tối 23-8 với 8 người thiệt mạng, trong đó có thủ phạm.

Sáng 23-8, một cảnh sát bị sa thải mặc quân phục, mang theo súng trường đã khống chế chiếc xe buýt sơn trắng - xanh - đỏ chở 25 du khách, hầu hết là người Hồng Kông, trong đó có 3 trẻ em, ở thủ đô Manila nhằm đòi cấp trên phục chức cho mình.

Cảnh sát phá vỡ cửa sổ xe buýt. Ảnh: EPA

Hãng tin Inquirer của Philippines cho biết, các cuộc thương lượng diễn ra gần công viên Jose Rizal, nơi chiếc xe buýt dừng. Đến chiều cùng ngày, 9 con tin, bao gồm 2 phụ nữ, 3 trẻ em, một người đàn ông bị tiểu đường và 3 người Philippines đã được phóng thích. Trên xe còn lại tài xế người Philippines cùng 15 du khách khác. Theo Fidel Posadas, Phó Giám đốc hoạt động cảnh sát, kẻ bắt giữ con tin đã phóng thích trẻ em, người già và người đau ốm. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho tất cả công dân nước này.

Thủ phạm - cựu quan chức cảnh sát Rolando Mendoza (đứng trên xe buýt) - thương lượng với 2 nhà đàm phán. Ảnh: Getty Images

10 giờ, các nhà chức trách xác định kẻ thực hiện vụ bắt cóc là cựu thanh tra cấp cao Rolando Mendoza, 55 tuổi, mang súng trường M16. Ông ta yêu cầu được phục chức mà mình đã bị mất cách đây một năm và đe dọa sẽ giết các con tin nếu yêu cầu này không được đáp ứng. Mendoza đi nhờ xe buýt từ thành phố Intramuros và sau đó tuyên bố đang bắt giữ các con tin khi xe đến công viên Jose Rizal, gần Vịnh Manila. Xe buýt này rời Hồng Kông ngày 20-8 để đến thăm Manila và theo lịch quay về vào tối 23-8. Trên xe còn có 3 công dân Philippines, bao gồm tài xế, hướng dẫn viên và thợ chụp ảnh.

Chiều 23-8, đoạn băng video được phát sóng trên truyền hình cho thấy 2 cảnh sát đi đến xe buýt và đàm phán với Mendoza thông qua cửa sổ gần chỗ ngồi của tài xế. Gregorio - em trai của kẻ bắt con tin và cũng là nhân viên cảnh sát - hỗ trợ các nhà chức trách tiến hành đàm phán. Gregorio cho biết, Mendoza cảm thấy thất vọng khi bị sa thải. Mendoza đã yêu cầu cung cấp lương thực cho những người còn lại trên xe, đồng thời cung cấp cả nhiên liệu cho máy điều hòa tiếp tục hoạt động giữa thời tiết nắng nóng.

Theo tường thuật của Reuters, Mendoza đã gửi một mẩu giấy viết tay với dòng chữ “Đàm phán sẽ bắt đầu sau 15 giờ hôm nay” (tức ngày 23-8). Một mẩu giấy khác được dán lên cửa xe buýt ghi rõ: “15 giờ hôm nay là hạn chót”. Người phát ngôn cảnh sát Manila Erwin Margarejo khẳng định cảnh sát sử dụng vũ lực như một giải pháp cuối cùng.

Năm 2008, Rolando Mendoza là một trong 5 cảnh sát bị cáo buộc liên quan đến một số vụ cướp giật, tống tiền, buôn ma túy. Những người này có hành vi đe dọa sau khi một giám đốc khách sạn Manila nói rằng ông bị cảnh sát vu khống sử dụng ma túy nhằm mục đích tống tiền. (Theo AP)

Sau “giờ G” - tức thời hạn chót mà Mendoza đưa ra, cảnh sát tiến hành bao vây xe buýt. Quan chức cảnh sát Roderick Mariano cho hay, người tài xế đã trốn thoát ngay trước đó. Cảnh sát đã bắn vào lốp xe buýt và phá cửa sổ, cửa lớn cùng kính chắn gió. Họ nỗ lực tiến lại gần nhưng phải rút lui khi hàng loạt phát súng bắn ra từ bên trong xe. Các xe cứu thương cũng phải rút lui. Theo kênh tin tức ABS-CBN, đến tối 23-8, 4 con tin đã thiệt mạng, thủ phạm cũng bị tiêu diệt. Trong số 15 công dân Trung Quốc ở bên trong xe buýt khi cảnh sát tấn công, có 7 người sống sót, 6 người thiệt mạng.

PHÚC NGUYÊN

Đọc thêm