Phương án sắp xếp cụ thể được Sở Nội vụ đề xuất có 9 trường hợp nhập hai phường thành một và một trường hợp nhập ba phường thành một phường mới. Như vậy, TP HCM còn 310 phường, xã; giảm 10 đơn vị so với trước.
Tại quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và Bình An. Quận 3 sáp nhập phường 6, 7, 8 thành một phường. Quận 4 sáp nhập phường 5 và 2; phường 12 và 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 và 15. Quận 10 sáp nhập phường 3 và 2. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 và 11; 14 và 13.
Sở Nội vụ đánh giá những phường thuộc diện sắp xếp trên địa bàn đều ở những vị trí lõi của trung tâm thành phố. Áp lực quản lý hành chính nhà nước ở các phường này rất lớn do có nhiều khách du lịch, bệnh nhân, người dân tạm cư đến (như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Hùng Vương, ký túc xá Trường ĐH Bách Khoa...) cao hơn nhiều lần dân số địa phương.
Trước đây TP HCM nhiều lần sáp nhập các đơn vị hành chính. Sau năm 1975, quận 7 nhập vào quận 8 thành quận 8 bây giờ. Quận 1 hiện hữu cũng được ghép từ quận 2. Quận Bình Thạnh được sáp nhập từ quận Bình Hòa với Thạnh Mỹ Tây. Còn quận 9 trước đây nhập với huyện Thủ Đức thành huyện Thủ Đức, sau đó lại tách ra thành quận 9 và quận Thủ Đức...
Quận 1 lúc trước có 23 phường, hiện còn 10; Bình Thạnh có 28 phường được sáp nhập còn 20; quận 3 và Phú Nhuận trước có 24 và 17 phường nhưng giờ còn 15...
Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người.
Còn quy mô dân số của phường (thuộc quận) từ 15.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên; xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2. Tất cả những đơn vị không đạt hai tiêu chí này phải sắp xếp lại.
Trả lời báo chí hồi tháng 5/2019, ông Đỗ Văn Đạo (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM) từng cho biết, việc sáp nhập các phường sẽ gây xáo trộn đời sống người dân, doanh nghiệp trong thời gian đầu vì thông tin địa chỉ, giấy tờ, dịch vụ... liên quan bị thay đổi. Nhưng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cái khó nhất là sắp xếp "con người" vì khi sáp nhập hai phường, cán bộ, công chức sẽ dư.
"Thành phố đã động viên nhưng chắc chắn vẫn có người tâm tư. Vấn đề này trung ương đã cho thời gian 3-5 năm để sắp xếp. Còn trước mắt ai làm việc đó, rồi tổ chức sẽ tính toán. Không thể trong một sớm một chiều làm ảnh hưởng đến công việc của các công chức, cán bộ vì họ còn gia đình nữa", ông Đạo nói.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nói, nếu tính theo tiêu chí về diện tích để sắp xếp lại đơn vị hành chính, không có một quận nào ở TP HCM đủ tiêu chuẩn. Chẳng hạn như quận 4 (15 phường, rộng 4,1 km2) chỉ có thể là một phường. Còn xét về tiêu chí dân số, thành phố cũng phức tạp hơn các địa phương khác do có rất nhiều người tạm trú và lưu trú vãng lai.
"Làm việc với Bộ Nội vụ, cũng có ý kiến cho rằng tiêu chí đánh giá đô thị đặc biệt như TP HCM và Hà Nội thì phải tính theo không gian chứ không chỉ là diện tích mặt đất", ông Tuyến nói.