Một báo cáo nghiên cứu mới của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) vừa công bố 10 nước phát triển không bền vững nhất, trong đó những nước có kế hoạch phát triển bền vững tồi tệ nhất là Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Ca-ta, Đan Mạch, Bỉ, Mỹ, Ét-xtô-ni-a, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Cô-oét và Ai-len. Đây cũng được coi là những quốc gia phá hủy các nguồn tài nguyên thế giới nhiều nhất. Đánh giá này được đưa ra dựa trên những tính toán và so sánh lượng tài nguyên cần thiết cho sự phát triển bền vững của cuộc sống con người tại các quốc gia, bao gồm năng lượng, vận tải, lương thực và cơ sở hạ tầng.
Mỹ cũng nằm trong danh sách này. |
Báo cáo cho biết, Trái đất đã mất khoảng một phần ba sự đa dạng sinh học kể từ năm 1970. WWF cũng chỉ ra Ô-xtrây-li-a là quốc gia có tỷ lệ cao về tiêu diệt các loài động vật có vú. Theo giáo sư Mai A-chơ (Mike Archer) thuộc Đại học Niu Xao Uên, 18 loài động vật có vú đã hoàn toàn biến mất trong vòng 200 năm qua ở Ô-xtrây-li-a. Quốc gia này cũng có tỷ lệ thải khí các-bon trên đầu người lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Báo cáo của WWF cho rằng, xã hội hiện đại quá lãng phí và phát triển không bền vững tới mức loài người sẽ cần phải có một hành tinh thứ 2 để sống trong 20 năm nữa nếu mức độ phá hủy môi trường tiếp tục diễn ra như hiện nay. Theo giám đốc điều hành của WWF tại Ô-xtrây-li-a Đơ-mốt O-go-man, với dự báo dân số thế giới đạt hơn 9 tỷ người vào năm 2050 thì không có gì đảm bảo tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất có thể tiếp tục đáp ứng được cho tất cả loài người trong tương lai gần. Báo cáo cũng dự báo hai phần ba dân số thế giới sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào năm 2025.
Theo QĐND