10 thói quen đơn giản nhưng tai hại

(PLO) - Đây là những thói quen hằng ngày mà nhiều người mắc phải nhưng không lường hết được sự nguy hiểm cho sức khỏe.
10 thói quen đơn giản nhưng tai hại
Cắn móng tay
Cắn móng tay là một hành vi vô hại, nhưng khi nó được lặp đi lặp lại sẽ thành thói quen nguy hiểm, khiến móng nham nhở, da ngón tay bong tróc. Vi trùng từ miệng sẽ đi đến da tay và ngược lại. Vi khuẩn dưới móng tay cũng có điều kiện len vào khoang miệng, gây nhiễm trùng nướu và họng.
Cách dừng thói quen xấu này là sơn móng tay hay dán băng dính vào ngón tay.
Xoắn và xoáy tròn lọn tóc
Xoắn và xoáy tròn lọn tóc quanh ngón tay khiến cho chân tóc bị yếu dần theo thời gian. Điều này dẫn tới rụng tóc, hói hay viêm nhiễm khu vực chân tóc.
Về lâu dài, thói quen này có thể dẫn tới  hội chứng Trichotillomania - một rối loạn về tâm lý khiến người bệnh tự giật trụi tóc trên đầu và lông ở các bộ phận khác trên cơ thể.
Vặn cổ, khớp tay chân… phát ra tiếng kêu
Tiếng kêu phát ra khi vặn cổ, khớp tay, chân là do khí có trong dịch khớp được giải phóng. Sau mỗi lần vặn, bẻ khớp chúng ta sẽ có cảm giác dễ chịu hơn, nhưng khi lặp đi lặp lại sẽ gây ảnh hưởng xấu tới các dây chằng xung quanh và khiến chúng bị lệch vị trí, gây ảnh hưởng xấu tới bề mặt sụn hoặc đĩa đệm, phá hủy khớp. Về lâu dài, sẽ dẫn đến thoái hóa dây chằng cổ, vôi hóa đốt sống cổ, viêm khớp.
Sờ vào mặt
Sờ vào mặt thường xuyên hoặc nặn mụn trứng cá khiến da tích tụ chất bẩn và hủy hoại dần tầng biểu bì trên cùng của da, tăng nguy cơ gây mụn. Bên cạnh đó, những vết xước do cậy mụn sẽ khó phục hồi và để lại tổn thương vĩnh viễn.
Việc bạn cần làm là ngừng ngay việc sờ mặt và nếu bị mụn, hãy tuân theo sự điều trị của bác sĩ da liễu.
Nghiến răng
Nghiến răng trong lúc căng thẳng có thể bào mòn hoặc nứt vỡ, gây yếu thân răng lẫn chân răng; làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông (do phì đại cơ cắn ở cả hai bên), rối loạn khớp thái dương-hàm (TMJ) là tình trạng khớp giữa hàm trên và hàm dưới không còn hoạt động đúng.
Thường xuyên ngậm kẹo mút
Thường xuyên ngậm kẹo ngọt trong thời gian lâu và đảo qua đảo lại kẹo trong khoang miệng sẽ dẫn đến sâu răng. Vi khuẩn có trong miệng sinh sôi nảy nở nhờ đường có từ kẹo, tạo ra môi trường hoàn hảo để phát triển sâu răng. Nhai kẹo cứng thường xuyên cũng gây ra các rủi ro cho sức khỏe răng miệng và làm hỏng cấu trúc răng.
Vì vậy,  không nên ngậm kẹo quá lâu hoặc nhai rôm rốp và vệ sinh răng miệng sau ăn.
Liếm, cắn môi
Hành động này khiến các enzyme hỗ trợ tiêu hóa len lỏi vào da môi và dẫn tới viêm niêm mạc môi, gây nứt môi. Được biết, nước bọt có chứa men tinh bột, liếm lên môi giống như có một lớp hồ mỏng tạo cảm giác mềm môi tức thì. Nhưng khi nước bọt bốc hơi hết, thì môi sẽ càng khô hơn. Hơn nữa, trên môi có dính bụi và mầm bệnh nên dùng lưỡi liếm sẽ gây mất vệ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
Nhay gò má bên trong khoang miệng
Tương tự như cắn móng tay, hành động nhay gò má cũng là một biểu hiện của sự lo lắng, bất an. Nếu như bạn nhay gò má thì sau đó mặt trong má sẽ bị sưng và rất có thể bạn sẽ tiếp tục nhay lại vị trí đó lần nữa. Hành động này diễn ra thường xuyên sẽ gây viêm nhiễm khoang miệng, xuất huyết, và gây sẹo khó lành
Cắn đuôi bút chì, bút mực
Vi trùng, vi rút có mặt khắp mọi nơi và bút chì, bút mực cũng không là ngoại lệ. Hành động cắn bút khiến vi trùng có khả năng xâm nhập vào đường miệng, trong đó có cả vi rút cúm. Hơn thế nữa, nhai cắn đuôi bút có thể làm mực dính vào răng, cũng như làm tổn thương mô mềm và nướu răng.
Nhai kẹo cao su
Hành động nhai kẹo tóp tép không những làm người khác khó chịu mà nó còn ẩn chứa những rủi ro cho sức khỏe. Người nghiện nhai kẹo cao su có thể gặp các vấn đề như mắc TMJ - rối loạn khớp thái dương hàm do các cơ miệng bị sử dụng với tần suất thường xuyên.
Bên cạnh đó, sorbitol, chất làm ngọt nhân tạo có trong kẹo cao su, gây ảnh hưởng xấu tới tiêu hóa (mất cảm giác thèm ăn, tăng tiết dịch vị và nước bọt trong khi không có thức ăn gây dư thừa axit và viêm loét dạ dày) nếu như ăn quá 18-20 viên kẹo cao su mỗi ngày./.

Đọc thêm