Kéo dài tuổi nghỉ hưu để không "vỡ" quỹ BHXH

(PLO) - Kéo dài tuổi nghỉ hưu luôn là vấn đề "nóng", nhất là khi đề xuất này trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) xuất phát từ lý do để "bảo vệ Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trước nguy cơ cạn kiệt, mất khả năng chi trả", trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng tăng theo những khó khăn của nền kinh tế... 
Quỹ BHXH sẽ chỉ có thể ổn định khi cơ quan chức năng có giải pháp tăng được số lượng người đóng BHXH bắt buộc và đối phó hiệu quả với hành vi trốn đóng BHXH
Quỹ BHXH sẽ chỉ có thể ổn định khi cơ quan chức năng có giải pháp tăng được số lượng người đóng BHXH bắt buộc và đối phó hiệu quả với hành vi trốn đóng BHXH
"Cứu" Quỹ BHXH bằng “doping”
BHXH Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2013, tổng số tiền nợ đọng bảo hiểm đã lên tới hơn 10.659 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012. Trong đó, nợ BHXH lên tới 7.193 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2012; nợ bảo hiểm y tế là 2.912 tỷ đồng và nợ bảo hiểm thất nghiệp là 552 tỷ đồng. 
Nguyên nhân quan trọng là tình trạng chiếm dụng tiền bảo hiểm tại nhiều doanh nghiệp vẫn diễn ra dưới hình thức đóng BHXH cho người lao động thấp hơn mức lương thực trả, không đóng BHXH, còn cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý được số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. 
Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương (Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam), đến năm 2024, Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối do quá chênh lệch giữa chi và thu và đến năm 2037, nếu không có biện pháp cân đối, Quỹ sẽ cạn kiệt, mất khả năng chi trả. 
Thậm chí, theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nguy cơ mất cân đối thu, chi và vỡ Quỹ còn sớm hơn, dự kiến rơi vào năm 2022 và 2034 do hiện chỉ có 20% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong khi số thuộc diện bắt buộc phải lên tới khoảng 78%. Mức đóng và thời gian đóng ngắn, trong khi mức hưởng lại cao, thời gian hưởng dài do tuổi thọ người hưởng lương hưu ngày càng cao (tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 là 54,2 tuổi, trong đó có tới 52,3% nghỉ hưu trước tuổi).
Trong số các giải pháp để "bảo vệ" Quỹ BHXH, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã được Bộ LĐTB&XH đưa ra trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Nhưng chỉ còn hơn một tháng nữa để Bộ LĐTB&XH trình Dự án Luật này ra Quốc hội, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận. 
Các chuyên gia nhận thấy rằng, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là "liều doping" để kéo dài sự tồn tại của Quỹ BHXH chứ không thể giúp Quỹ này duy trì bền vững. Bởi theo nghiên cứu của Công đoàn Việt Nam năm 2011, hầu hết lao động nữ của Việt Nam đều cho rằng tuổi nghỉ hưu khoảng 50 - 55 là vừa. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có tới 53% số người nghỉ hưu từ 60 tuổi trở lên không muốn tiếp tục làm việc sau 60 tuổi vì vấn đề sức khỏe; 24,1% không muốn làm việc vì cho rằng đã có lương hưu. 
Cần chọn giải pháp lâu dài
Lo ngại trước đề xuất này của Bộ LĐTB&XH, đại diện Liên đoàn Lao động nhiều địa phương cho rằng, hiện lao động trong các ngành sản xuất liên quan đến hóa chất, môi trường làm việc độc hại, lao động trực tiếp ngoài trời nhiều giờ, nặng nhọc... đang không có khả năng "trụ với nghề theo qui định tuổi nghỉ hưu hiện hành". Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì sẽ có tình trạng người lao động chọn giải pháp "nghỉ một cục" (xin nghỉ việc trước tuổi để hưởng trợ cấp một lần - PV). 
Thậm chí nghiêm trọng hơn, ông Huỳnh Ngọc Trước (Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp) còn cho rằng: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu là thay đổi chính sách, đi ngược với quan điểm chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động". 
Như vậy, đề xuất kéo dài tuổi nghỉ cũng phải căn cứ vào sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người Việt Nam chứ không thể chỉ để "bảo vệ" Quỹ BHXH trước sự bất lực của cơ quan quản lý trong việc thu đủ và quản lý Quỹ BHXH theo qui định. 
Ngoài ra, khi qui định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55 trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) chưa kịp "nguội" vì mới có hiệu lực vài tháng mà đã có đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu như vậy sẽ tạo ra tâm lý nghi ngại về sự ổn định của hệ thống pháp luật, nhất là những qui định có liên hệ sát sườn đến quyền lợi của đa số dân cư như pháp luật về lao động, BHXH..., cụ thể là về tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Xem xét từ gốc của vấn đề, các chuyên gia cùng cho rằng, Quỹ BHXH sẽ chỉ có thể ổn định khi cơ quan chức năng có giải pháp tăng được số lượng người đóng BHXH bắt buộc và đối phó hiệu quả với hành vi trốn đóng BHXH, chứ không chỉ đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu như trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo các phương án trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), từ năm 2016 trở đi, tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ; từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên. Như vậy, thời gian làm việc của nam giới sẽ tăng thêm 2 năm và của nữ giới sẽ tăng thêm từ 5-7 năm so với quy định hiện hành.

Đọc thêm