1.000 năm Thăng Long-Hà Nội: Đánh thức Linh Đàm

Cách đây mấy hôm, tôi đến Linh Đàm để thăm nhà mới người anh vợ. Từ Định Công, xuyên qua Đại Kim đến Linh Đàm, phải dừng lại không dưới dăm bảy lần để hỏi đường. Có mấy ông xe ôm còn ngỡ ngàng hỏi nhau mấy khu A, B nào đó mới được treo biển. Khỏi phải bình luận về ngôi nhà do chính chủ nhà là một kiến trúc sư thiết kế, chỉ huy thi công. Tôi chỉ lạ là, ông anh sao tài thế. Bằng cách nào có thể tầm ra vùng đất vốn xưa được gọi là rốn nước của cả thành phố. Và như phép lạ, Linh Đàm giờ đây thành nguy nga sang trọng.

Cách đây mấy hôm, tôi đến Linh Đàm để thăm nhà mới người anh vợ. Từ Định Công, xuyên qua Đại Kim đến Linh Đàm, phải dừng lại không dưới dăm bảy lần để hỏi đường. Có mấy ông xe ôm còn ngỡ ngàng hỏi nhau mấy khu A, B nào đó mới được treo biển. Khỏi phải bình luận về ngôi nhà do chính chủ nhà là một kiến trúc sư thiết kế, chỉ huy thi công. Tôi chỉ lạ là, ông anh sao tài thế. Bằng cách nào có thể tầm ra vùng đất vốn xưa được gọi là rốn nước của cả thành phố. Và như phép lạ, Linh Đàm giờ đây thành nguy nga sang trọng.

Lịch sử xa xưa thì tôi không tường, nhưng từ đã lâu Linh Đàm là một thôn của xã Hoàng Liệt chằng chịt những ao hồ. Cái tên gọi Linh Đàm có nghĩa là đầm cỏ thơm. Và cũng có một tên gọi nữa, là Liên Đàm, vì ở đây trồng nhiều sen. Một vùng cây xanh mênh mang, nước hồ quanh năm trong trẻo, khiến Linh Đàm được dân Hà Nội biết đến như khu điền dã của giới trẻ, và của mấy vị mê câu cá.  Bởi vẻ đẹp huyền hoặc của Linh Đàm, nên chiếc cầu bắc qua đầm cũng thơm lây, gọi là cầu Tiên. Đầm rộng trên 70 hecta, xung quanh bao bọc bởi nhiều tầng cây xanh. Sắp đặt địa giới mỗi thời có khác nhau ít nhiều.

Xưa Linh Đàm nằm trong quận VI, ngoại thành Hà Nội. Mấy chục năm qua Linh Đàm nằm trong xã Hoàng Liệt, thuộc huyện Thanh Trì. Một vài năm lại đây, khu Linh Đàm nằm trong quận mới Hoàng Mai. Dẫu có thay đổi vài ba tên gọi xã phường, nhưng cư dân quanh hồ từ nhiều đời nay gắn bó với nhau bằng lễ hội và tâm linh. Tương  truyền khu Linh Đàm này có vị thần con vua Thủy Tề, tài làm mưa chống hạn, cưu mang mùa màng cho dân lành một vùng rộng lớn. Nhớ ơn thần linh, bà con tôn vinh vị thần thủy nông đó làm Thần Hoàng Làng. Hằng năm dân làng kéo về đền thờ, tổ chức lễ hội, vui chơi tưng bừng, để lại dư âm tiếng trống, tiếng mõ cho cháu con tận đến ngày nay.

- Cung điền trạch của tôi, mấy thầy phán là “triệt”, không hy vọng gì. Nhưng cũng nhờ mấy chuyến đi câu ở đầm hồi nào nên đường đi lối lại cũng quen biết ít nhiều, hơn đứt mấy vị bàn giấy, chỉ có thú ngồi gọt bút chì. Phải thừa nhận cá ở đầm này bộn lắm. Chỉ cần vài chục ngàn là có thẻ vẫy cần trúc, ngồi câu cả ngày. Tôi cũng đã từng giật lên bờ mấy chú trắm đen. Có lần được cả con mè dễ một ký. Một lần khác là chú trắm cỏ không dưới ký rưỡi. Nhưng mình không mấy nhanh tay nhanh mắt nên  để nó lụi mất. Thứ trắm, luồn nhanh lắm. Nhưng nói chung tôi không có duyên với cá, với câu. Nhìn anh em đi câu, mình nhập hội với họ mà lấy cái thư thái ngày chủ nhật thôi mà.

- Nhưng cái may là khi có trát ở trên xuống, quy hoạch khu Linh Đàm. Mình lọt vào chân khảo sát. Ban quy hoạch khu đô thị cho một suất thiết kế tổng thể. Từ đó mấy cậu bạn cùng hội câu cá hồi nào, nay đóng vai kiến trúc sư nghiêm chỉnh, lặn lội đủ mấy khoanh hồ, bờ bụi, ruộng lúa. Rồi cái may bất ngờ đến ngoài dự định. Được mua đất. Được đóng tiền, được san lấp. Đêm đêm từng chuyến ô-tô phế thải, đất cát đổ xuống vùng  bùn lầy này. Trông bề thế vậy, chứ chỉ hơn 200 mét vuông một chút thôi. Cả đời vẽ vời nhà cửa, công sở cho thiên hạ. Cuối đời cũng vẽ được một cái gì đó cho riêng mình...

Khu đô thị Linh Đàm nằm trong “top 20”, được đánh giá là công trình kiến trúc thành công nhất về nhiều phương diện. Với tư cách là khu đô thì, Linh Đàm được ghi nhận là khu dân cư đô thị thành công nhất cùng với một khu nữa ở miền Nam. Nhà ở, khu cây xanh, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, đường sá, vườn hoa, khu vui chơi giải trí, v.v... Hiện thành phố đang xem xét để đưa khu Linh Đàm vào danh sách “công trình 1000 năm”.

Nghe nói tới câu cá, tôi như được đánh thức niềm đam mê từ thuở nhỏ. Lăm le rủ ông anh làm một chuyến xuống hồ Chính Quyên hay hồ Ngọc Thọ, gần đây. Nhưng ngay  lập tức ông anh làm tôi thất vọng. Vẻ  mặt có vẻ suy tư, ông anh lắc đầu.

- Câu cá chỉ có trong thời đầm còn hoang dã. Hồi đó, chẳng có ai bán vé, thuê cần. Và muốn ngồi bao lâu, tùy thích. Sau này đầm được một  vài hộ thầu, mới sinh ra bán vé. Thoạt đầu mỗi buổi chỉ vài chục ngàn, gọi là. Sau này nhiều người thầu từng khoảnh hồ, giá vé lên đến 100 ngàn/buổi. Còn bây giờ thì đầm hồ “đóng cửa”. Các chủ thầu đã rào kín bằng cọc tre, lưới cước. Xớ rớ đến gần đó còn bị đuổi nữa đấy.

Thay vì đi câu, ông anh đánh xe đưa tôi đi thăm một số khu dân cư cội rễ Linh Đàm. Thành phố đã có chủ trương xây dựng Linh Đàm thành khu du lịch sinh thái bên cạnh khu đô thị kiểu mẫu. Hội kiến trúc khuyến khích dân làng xây những biệt thự nhỏ thấp tầng, quy hoạch vườn xanh, cây cảnh, nuôi chim, tạo nên những nhà vườn xinh xắn bao quanh mặt nước. Hà Nội dễ đâu như Linh Đàm, mỗi bước đi được màu xanh bao phủ. Xanh của cây xanh, xanh của mặt hồ và sau cơn mưa mùa hạ, Linh Đàm tràn ngập trong một cảm giác mát trong. Theo những con đường nho nhỏ bao quanh đầm lớn đầm nhỏ, người tản bộ tận hưởng cảm giác thanh bình êm ả hiếm hoi giữa một đô thị hối hả xây cất.

Khi Hà Nội mở rộng, những công trình đô thị mới theo hướng kiến trúc Linh Đàm sẽ tạo nên một diện mạo văn minh cho kiến trúc thủ đô. Đó không còn là viễn cảnh, mà đang hình thành từ trên từng khu đất đã được quy hoạch. Nhưng Linh Đàm không chỉ dừng lại như một khu dân cư mới. Gần đây thành phố đã có chủ trương xây dựng Linh Đàm thành một khu du lịch sinh thái. Đó quả là một ý tưởng thú vị, bởi đã đến lúc người ta nhận ra giá trị  tiềm ẩn của Linh Đàm.

Như Nguyễn

Đọc thêm