1.001 kiểu ăn theo thương hiệu

Không chỉ giống nhau về kiểu dáng, mẫu mã… nhiều nhãn hiệu còn bị copy cả về logo thương hiệu, giống đến khó tin.

Không chỉ giống nhau về kiểu dáng, mẫu mã… nhiều nhãn hiệu còn bị copy cả về logo thương hiệu, giống đến khó tin.

Chưa biết hàng nhái, hàng bắt chước kiểu dáng… có chất lượng ra sao nhưng những sự trùng lặp nhãn hiệu sản phẩm vừa khiến doanh nghiệp mang tiếng, lại vừa khiến người tiêu dùng hoang mang, không biết đường lựa chọn.

Chị Trần Nguyệt Hằng, ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình, TP HCM) bức xúc kể, cuối tuần qua, sau khi đưa nhóm bạn từ Hà Nội vào tham quan, mua sắm ở chợ Bến Thành, chị vẫy chiếc taxi Vinamet, mà cứ đinh ninh đó là xe của hãng taxi Vinasun, vì nhìn thoáng bề ngoài, không thể phân biệt, thậm chí số điện thoại của cả hai cũng giống tới hơn 99% (Vinasun là 8272727 còn của Vinamet là 8272777).

Chị Hằng chỉ biết mình bị nhầm khi chuẩn bị xuống xe chị đưa thẻ (thẻ thanh toán của Vinansun) thanh toán, nhưng tài xế từ chối, với lý do công ty không chấp nhận thanh toán bằng thẻ này.

Khách hàng mắc lỡm

Theo quan sát, tại những điểm du lịch, điểm mua sắm thu hút đông đảo du khách ở TP HCM như chợ Bến Thành, Thương xá Tax, Diamon Plaza…, có rất nhiều loại taxi dù cố tình “trang điểm” cho xe của mình giống với những hãng xe nổi tiếng như Mai Linh, Vinasun… để ăn theo thương hiệu, làm lóa mắt khách hàng. Cánh tài xế cho biết, khách ngoại tỉnh và đặc biệt là khách nước ngoài là những đối tượng dễ nhầm lẫn nhất. Bởi không phải là khách hàng thường xuyên nên họ không có thói quen quan sát kỹ lưỡng.

Khách hàng khó phân biệt được những "thương hiệu song sinh". (Ảnh: TNLinh)
Khách hàng khó phân biệt được những "thương hiệu song sinh". (Ảnh: TNLinh)

Anh Hà, một tài xế của hãng taxi Mai Linh, cho biết, nhiều trường hợp nghe khách đi xe phản hồi gặp phải taxi dù, chất lượng, dịch vụ xe tệ hại đã đành, còn thường xuyên bị gian lận cước và chỉ cần lơ là, không chú ý, là có thể mất đồ.

Tương tự, nhiều khách hàng tìm mua dòng sản phẩm thiết bị điện (máy biến thế, ổn áp…) Hanshin, đa phần đều nghĩ chỉ có một nhãn hiệu Hanshin duy nhất, vì hầu như kiểu dáng lẫn mẫu mã chỉ là một. Tuy nhiên, nếu không ngại “đỏ mắt”, chú ý quan sát một chút, thì có thể phát hiện ra sự khác biệt rất nhỏ ở logo của sản phẩm “tuy một mà là hai” này. Đó là logo Hanshin của Công ty Hán Sinh (phường 7, quận 5, TP HCM) và logo Hanshinco của Công ty Hàn Sinh (phường 10, quận 6, TP HCM).

Điều lạ là Hanshin có chứng nhận về thương hiệu nào thì Hanshinco cũng có những thương hiệu y chang. Theo thông tin từ vụ kiện trùng tên nhãn hiệu Hanshin, nhiều năm trước, giám đốc nhãn hiệu của Hanshinco giữ một trong những vị trí then chốt của Hanshin, sau đó đứng độc lập thành một doanh nghiệp khác. Phía Hanshin chỉ phát hiện ra nhãn hiệu của mình bị “xâm phạm” khi doanh số bán hàng đột ngột sụt giảm mạnh.

Lơ ngơ là… bị hớt tay trên

Cách đây không lâu, nhựa Bình Minh cũng giật mình vì bỗng dưng có “người bạn” mang nhãn hiệu giống như đúc xuất hiện trên thị trường. Bị xâm hại, lập tức doanh nghiệp này đâm đơn khiếu nại. Hay tại Hà Nội, Tập đoàn Hòa Phát vừa rồi cũng “nóng trong người” khi bỗng dưng có một HPland “lạ hoắc” xuất hiện…

Theo số liệu thống kê, trong năm 2009, TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương có các vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TP HCM, cho biết, có tới 95 - 97% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng đa phần các doanh nghiệp không ý thức về việc đăng ký bảo hộ thương mại, hay sở hữu trí tuệ về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, khiến tình trạng vi phạm không ngừng gia tăng.

Trung bình một tháng, cơ quan này tiếp nhận 2 - 3 trường hợp khách hàng phản ánh, hay các cơ quan an ninh kinh tế nhờ cho ý kiến chuyên môn về tình trạng bắt chước, nhái, hay vi phạm kiểu dáng nhãn hiệu sản phẩm…

Có trường hợp đề nghị giám định tới hơn chục dòng sản phẩm. Những nhãn hiệu về mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm… thường bị nhái, bị ăn cắp kiểu dáng nhiều nhất hiện nay. Nhiều doanh nghiệp chủ quan chỉ lo phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, đến khi có được chỗ đứng trên thị trường, thì bị đối thủ “chơi xấu” tìm cách hớt tay trên… lúc đó mới  lo đi đòi. (Còn nữa)

Theo
Đăng Thư
Đất Việt

Đọc thêm