Tham dự chương trình, Nguyên Phó Chủ tịch nước bà Trương Mỹ Hoa đã tới dâng hương, dâng hoa, đồng thời giao lưu trò chuyện, chia sẻ với những bạn trẻ đoàn viên, thanh niên, học sinh về những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ của chính mình và những người bạn tù chính trị từng bị địch giam giữ tại Nhà lao Tân Hiệp.
Tại đây, biết bao cảm xúc về những năm tháng hào hùng, bất khuất của những người yêu nước bị địch bắt giữ khi đang hoạt động. Mặc dù bị giam cầm, tra tấn khủng khiếp nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn không để kẻ thù khuất phục, ý chí chiến đấu kiên cường của những chiến sĩ yêu nước không hề bị lung lay, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, những người tù cộng sản vẫn kiên cường, gan dạ, một lòng vì mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc, biến nhà tù thành nơi nung đúc ý chí.
Nguyên Phó Chủ tịch nước bà Trương Mỹ Hoa dâng hương tại khu di tích Nhà lao Tân Hiệp |
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa từng hoạt động cách mạng khi mới 19 tuổi và đã phải chịu cảnh tù đày trong suốt 11 năm ròng rã. Bà chia sẻ: “đã từng có một phóng viên nước ngoài hỏi tôi rằng: “11 năm bị tù đày, tôi có cảm thấy mất mát gì không?” Đối với tôi, 11 năm đó tôi không mất mà còn được rất nhiều thứ, đó chính là những bài học về tình người, về lý tưởng đấu tranh cách mạng”.
Tại buổi giao lưu, hơn 200 cán bộ, đoàn viên, thanh niên, sinh viên và học sinh đại diện cho gần 400.000 đoàn viên thanh niên đang sinh hoạt tại 28 đơn vị Đoàn thuộc Tỉnh đoàn Đồng Nai tề tựu về đây đã nô nức, hào hứng khi được nghe bà Trương Mỹ Hoa cùng các cựu tù cách mạng chia sẻ về cuộc đời hoạt động chính trị tại Nhà lao Tân hiệp này.
Những cựu tù chính trị trở lại thăm khu di tích Nhà lao Tân Hiệp |
Khi nghe một em đoàn viên hỏi về điều đã làm nên những phẩm chất của một người chiến sỹ cách mạng tuy tuổi đời còn trẻ nhưng dũng cảm, gan dạ chống lại áp bức thì bà Hoa chia sẻ: “Để hun đúc nên được những phẩm chất ấy, trước hết phải kể đến đó chính là chủ trương, đường lối, giáo dục của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của nhân dân yêu nước, bên cạnh đó còn có sự giáo dục của tập thể những người yêu nước trên đất nước này, dù xuất phát điểm của mọi người khác nhau, nhưng đều có chung lý tưởng cách mạng”.
Được biết, cuộc vượt ngục Tân Hiệp là cuộc giải thoát kỳ diệu của những người tù cộng sản kiên cường, bất khuất, mưu trí. Trong cuộc vượt ngục này, 22 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh, giải thoát cho hơn 460 tù chính trị. Những tù chính trị này đã trở về cùng đồng đội và nhân dân, tiếp tục hoạt động cách mạng đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng./.
Di tích Nhà lao Tân hiệp còn có tên gọi là “Trung tâm cải huấn Biên Hòa”, là 1 trong 6 nhà tù lớn nhất miền nam. Trong suốt hơn 20 năm, Nhà lao Tân Hiệp đã giam giữ hơn 50.000 lượt chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước.