Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 10/4, đã có 12 ổ DTLCP qua 30 ngày, gồm: xã Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên); xã Hồng Nam (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên); xã Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên; phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội); xã Đại Đồng (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương); xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình); xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, Thái Bình); xã Hợp Thanh, Thanh Lương (Lương Sơn, Hòa Bình); xã Lý Chính (huyện Lý Nhân, Hà Nam); xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) và xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư, Ninh Bình).
Cụ thể, nhiều địa phương đã ban hành quyết định công bố hết DTLCP khi áp dụng tổng lực nhiều giải pháp để khống chế. Ngày 8/4, UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã quyết định công bố hết DTLCP trên địa bàn; tiếp đó là huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Theo quy định của Cục Thú y, những địa phương này đủ điều kiện công bố hết dịch, tạo điều kiện cho người dân lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ lợn; đồng thời lên phương án tái đàn sau dịch.
Như vậy, sau khi Hòa Bình công bố hết dịch, số tỉnh có DTLCP cả nước giảm xuống còn 21 tỉnh, thành. Số ổ dịch nhỏ lẻ ở các tỉnh cũng đang giảm mạnh. Ở góc độ khác, DTLCP đã được khống chế và không lây lan sang các tỉnh miền Nam.
Đây là tin vui với thị trường bởi sau khi DTLCP tạm lắng, giá thịt lợn hơi tại nhiều địa phương đang tăng. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, lợn hơi hiện được thương lái mua với giá từ 45.000-47.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm 2 tuần trước. Trên cả nước, giá lợn hơi đồng loạt vượt qua ngưỡng 40.000 đồng/kg.