12 người mất tích, 1 cháu bé chết đuối trong bão Conson

Sáng nay (18/7), tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, theo thống kê sơ bộ đã có 12 người mất tích trong bão Conson trong đó có 6 ngư dân của Quảng Ngãi bị đắm tàu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa

Sáng nay (18/7), tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, theo thống kê sơ bộ đã có 12 người mất tích trong bão Conson trong đó có 6 ngư dân của Quảng Ngãi bị đắm tàu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; 4 thuyền viên của một tàu hàng bị chìm ở hòn Gà Chọi, một người bị sóng đánh trôi ở đảo Cống Đỏ (Quảng Ninh. Ngoài ra còn một phụ nữ đi tắm biển khi biển động ở bãi biển Hải Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và bị sóng cuốn mất tích.

Ngoài thiệt hại về người, bão đã làm 300 ngôi nhà ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị tốc mái; 27 tàu đắm, vỡ (chủ yếu của Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi); 34 tàu khác bị trôi; 33 lồng bè nuôi hải sản bị vỡ, bị trôi.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao sự phản ứng mau lẹ, quyết liệt của các tỉnh trong việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, sơ tán dân ở vùng nguy hiểm. Ông cũng bày tỏ sự đáng tiếc đối với những trường hợp gặp nạn. Bộ trưởng Phát đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tích cực tìm kiếm 6 ngư dân này cũng như 4 thuyền viên của tàu hàng.
Mô tả ảnh.
Gió bão đã quật ngã nhiều cây xanh trên địa bàn TP Hạ Long.Ảnh: Báo Quảng Ninh

Hiện Quân chủng Hải quân đã điều 3 tàu tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn và đến sáng nay đã ra tới Hoàng Sa, đang tìm cách tiếp cận các tàu gặp nạn.

* Trước đó, theo thống kê nhanh của Thường trực Ban phònng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 1, tính đến 22h đêm qua, có 3 du khách bị sóng biển cuốn trôi, hiện vẫn chưa tìm được tung tích (1 du khách bị sóng cuốn ở tại bãi biển xã Hải Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa và 2 du khách cũng bị cuốn trôi khi tắm biển tại bãi biển Sầm Sơn). 1 cháu bé tại Hải Phòng chết đuối do lật mảng trên đường được gia đình đưa từ làng chài về đất liền.

Dưới đây là thống kê ban đầu những thiệt hại do bão Conson gây ra ngay sau khi đổ bộ vào đất liền:

- Tại Quảng Ninh: 22 giờ ngày 17/7, theo thống kê sơ bộ của Thường trực Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 200 ngôi nhà bị tốc mái, 15 tàu thuyền bị đắm, 34 tàu thuyền bị trôi dạt, 20 lồng bè bị trôi dạt, hàng chục cột điện bị đổ,1 cột sóng của Tổng công ty Viễn thông quân đội bị gãy.. Lực lượng chức năng đã tiến hành cứu hộ thành công 40 người đang còn ở trên tàu thuyền, nhà bè bị trôi dạt.

Trước đó, từ khoảng 20 giờ, trên địa bàn Quảng Ninh lượng mưa đã bắt đầu giảm, nhưng gió bắt đầu mạnh lên. Đến 22 giờ, tại TP.Hạ Long gió vẫn mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; tại Cửa Ông (Cẩm Phả) có gió giật cấp 13; tại Cô Tô có gió cấp 9, cấp 10. Gió mạnh đã khiến công tác cứu nạn những tàu thuyền và nhà bè bị trôi dạt gặp nhiều khó khăn.
Mô tả ảnh.
Tại Cẩm Phả có gió giật cấp 12, nhiều tàu thuyền bè mảng của ngư dân khu vực Bến Gio (Phường Cẩm Trung TX Cẩm Phả) bị chìm hoặc trôi dạt.  Ảnh: Báo Quảng Ninh
- Tại Hải Phòng, đến gần 22 đêm qua toàn TP có 900 cây xanh, 19 cột điện, 1 cột BTS viễn thông bị gãy đổ. Sạt lở 200m kè chắn sóng của dự án Khu du lịch Hòn Dáu; sạt 20m kè giao thông phía tây bắc đảo Bạch Long Vỹ, gãy 1 cẩu hàng; 4 tàu bị chìm khi neo đậu tại Cát Bà; 3 người bị thương; 103 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều nhất là tại quận Hải An có 67 nhà tốc mái, hư hỏng. 3 tàu du lịch bị chìm, vỡ 1 bè nuôi thủy sản, 1 xuồng bị đắm tại Bạch Long Vỹ, 14 người trên tàu du lịch, bè cá đều được cứu sống. Một cháu bé chưa xác định được danh tính ở phường Yết Kiêu bị chết đuối do lật mảng. Sóng bão đã nhấn chìm một số tàu, thuyền cỡ nhỏ của ngư dân và nhiều nhà dân bị tốc mái. Vào khoảng 22 giờ ngày 17/7, ba chiếc tàu biển trọng tải lớn đang neo đậu ở các đà đóng mới, sửa chữa tại Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng (Hải Phòng) bỗng dưng bị “xổng đà” trôi và va đập mạnh vào cầu Bính nằm cách đó chừng vài trăm mét. Hậu quả làm cho cầu Bính (công trình trọng điểm quốc gia, bắc qua sông Cấm) bị hư hỏng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, mọi hoạt động giao thông qua lại giữa các quận nội thành với huyện Thủy Nguyên đều phải tạm dừng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. - Huyện đảo Cát Hải cũng phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 1 khi tuyến đê khá yếu ở khu vực Hải Lộc, Tiến Lộc thuộc thị trấn Cát Hải liên tiếp bị sóng lớn đánh vào. Cộng thêm triều cường lớn nên hiện nay, nước biển đã tràn qua mặt các tuyến đê này từng đợt ập vào các hộ dân khiến tuyến đê này phải đối diện với nguy cơ bị nứt và vỡ. Toàn huyện Cát Hải có gần 19km đê thì có tới hơn 10km xung yếu và hơn 4km kém ổn định không đảm bảo an toàn. Trước đó, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó chủ tịch thường trực UBND huyện đảo Cát Hải cho biết, từ 16 giờ, huyện đảo Cát Hải đã bị cô lập hoàn toàn. - Đến 21 giờ 30, tại huyện Đầm Hà, đã xuất hiện lũ trên nguồn đổ về. Huyện Đầm Hà đã tiến hành di dời 9 hộ dân ở 2 xã Quảng Lâm và Quảng An ra khỏi vùng nguy hiểm. - Tại Thanh Hóa: Chiều và tối 17/7, trên địa bàn Thanh Hóa có mưa trung bình từ 70-80 mm, một vài nơi như TP Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc lượng mưa trên 100 mm. Trong ngày 17/7, tại bãi tắm ở Hải Hòa (Tĩnh Gia), có 1 du khách đã bị sóng cuốn trôi. Đến đêm qua, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy xác của nạn nhân. - Tại Nam Định: Đến khoảng 20 giờ tại khu vực thành phố Nam Định đã có hiện tượng ngập cục bộ do nước không kịp thoát. Nỗi lo của tỉnh Nam Định là sự an toàn của những đoạn đê xung yếu dọc các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu. Đáng chú ý, có khoảng 3,5 km đê biển thuộc các huyện Hải Hậu và Giao Thủy đang thi công dở. - Tại Thái Bình, bão số 1 gây mưa to đến rất to với lượng mưa tới 200-220mm. Đêm 17/7, mưa to kèm sóng lớn đe dọa nghiêm trọng tại hai đoạn đê biển xung yếu thuộc xã Thái Đô, đoạn ở vị trí K30 có chiều dài khoảng 2km và đoạn ở dọc trước Đồn Biên phòng 68 (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) đang thi công dở dang có nguy cơ bị sạt lở. Mưa to kèm theo gió giật mạnh cấp 8, cấp 9 cũng làm nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy cành và các tuyến đường ở thành phố Thái Bình bị ngập nước. - Tại Hà Nội: 19h30 Hà Nội gió bắt đầu mạnh dần, mưa nặng hạt, khiến nhiều cây xanh bật gốc Cho đến 21 giờ tối qua, Hà Nội vẫn chưa cảm nhận rõ nét ảnh hưởng của cơn bão số 1. Theo dự báo khí tượng, đêm nay khi bão số 1 vào sâu đất liền, Hà Nội có thể hứng chịu trận mưa cường độ 200 mm, lớn hơn trận mưa ngập đầu tuần (160 mm). Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, lúc 20h ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 7h ngày 18/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đêm qua (17/7) còn có gió mạnh cấp 7 đến cấp 10, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 3 – 5 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.    
Theo L.V
VTC news

Đọc thêm