2 hình thức bảo lãnh tín dụng dự kiến không đưa vào dự thảo về tín dụng xuất khẩu

Hình thức bảo lãnh tín dụng đầu tư (TDĐT), bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (TDXK) (quy định trong Nghị định 151/2006/NĐ-CP) trong thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả. Do vậy, trong dự thảo Nghị định về TDĐT và TDXK của Nhà nước đang được hoàn thiện, Bộ Tài chính đề nghị không đưa 2 hình thức này vào nội dung của dự thảo.

Hình thức bảo lãnh tín dụng đầu tư (TDĐT), bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (TDXK) (quy định trong Nghị định 151/2006/NĐ-CP) trong thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả. Do vậy, trong dự thảo Nghị định về TDĐT và TDXK của Nhà nước đang được hoàn thiện, Bộ Tài chính đề nghị không đưa 2 hình thức này vào nội dung của dự thảo.

2 hình thức bảo lãnh tín dụng dự kiến không đưa vào dự thảo về tín dụng xuất khẩu ảnh 1

Cho vay TDXK đã giúp các doanh nghiệp 
giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh

Giải thích cho đề nghị này, Bộ Tài chính cho biết, hình thức bảo lãnh tín dụng đầu tư (TDĐT) và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (TDXK) chưa phát huy hiệu quả do doanh nghiệp áp dụng hình thức này vừa phải trả lãi suất vay thương mại cho các tổ chức tín dụng, vừa phải trả phí bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN) nên không được hưởng ưu đãi bằng hình thức vay vốn trực tiếp của NHPTVN.

Do vậy, trong thời gian qua, NHPTVN không cấp bảo lãnh TDĐT và bảo lãnh TDXK cho một chủ đầu tư nào. Mặt khác, trong năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2009/QĐ-TTg và 60/QĐ-TTg về bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại phục vụ sản xuất kinh doanh.

Do vậy, dự thảo không quy định 2 hình thức bảo lãnh TDĐT và bảo lãnh TDXK để tránh sự trùng lặp về chính sách và cũng nhằm điều chỉnh giảm bớt các hình thức chưa phát huy hiệu quả.

Như vậy, theo dự thảo, TDXK sẽ bao gồm cho vay XK, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Cho vay TDXK tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng đã ký

Danh mục mặt hàng vay vốn TDXK gồm 4 nhóm hàng: Nông, lâm, thuỷ sản; hàng thủ công mỹ nghệ; sản phẩm công nghiệp và máy tính nguyên chiếc, phụ kiện máy tính, phần mềm tin học.

Hình thức cho vay XK bao gồm: Cho vay nhà XK (cho vay trước hoặc sau khi giao hàng) và cho vay nhà nhập khẩu (NK). Đối tượng cho vay là nhà XK có hợp đồng XK và nhà NK có hợp đồng NK hàng hoá thuộc Danh mục mặt hàng vay vốn TDXK.

Các đối tượng trên sẽ được vay TDXK nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Nhà XK đã ký kết hợp đồng XK, nhà NK có hợp đồng NK đã ký kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Việt Nam; Phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được NHPTVN thẩm định và chấp thuận cho vay. Ngoài ra, nhà XK phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay; phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn. Còn nhà NK phải được Chính phủ hoặc Ngân hàng trung ương của nước bên nhà NK bảo lãnh vay vốn.

Về mức vốn cho vay, dự thảo quy định rõ: Mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng XK, NK đã ký hoặc giá trị L/C đối với cho vay trước khi giao hàng hoặc trị giá hối phiếu hợp lệ đối với cho vay sau khi giao hàng.

Thời hạn cho vay xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm của từng hợp đồng XK và khả năng trả nợ của nhà XK hoặc nhà NK nhưng thời hạn cho vay của từng khoản vay không quá 12 tháng. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn cho vay trên 12 tháng thì nhà XK mới đủ điều kiện thực hiện hợp đồng XK, NHPTVN đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định.

Về đồng tiền cho vay, hiện tại NHPTVN không được huy động vốn và hoạt động ngoại hối đầy đủ như một ngân hàng thương mại thông thường nên việc cho vay TDĐT và TDXK bằng ngoại tệ không khả thi. Để giảm bớt áp lực về nhu cầu vay vốn ngoại tệ đối với NHPTVN, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo nguyên tắc, NHPTVN cho vay TDĐT và TDXK bằng đồng Việt Nam, trong trường hợp dự án hoặc doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị hoặc mua nguyên vật liệu cho chế biến hàng xuất khẩu sẽ mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại theo quy định hiện hành.

Lãi suất cho vay XK do Bộ Tài chính quyết định theo nguyên tắc phù hợp với lãi suất thị trường.

Bảo lãnh tối đa 3% giá dự thầu, 15% giá trị hợp đồng

Quy định hình thức bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng, dự thảo nêu rõ, nhà XK tham gia dự thầu hoặc thực hiện hợp đồng XK hàng hoá thuộc Danh mục mặt hàng vay vốn TDXK được bảo lãnh nếu: Có nhu cầu bảo lãnh; có tài liệu hợp pháp chứng minh yêu cầu của phía nước ngoài về bảo lãnh; nhà XK được bảo lãnh phải có năng lực tài chính để tham gia dự thầu hoặc thực hiện hợp đồng xuất khẩu được NHPTVN thẩm định và chấp thuận bảo lãnh.

Mức bảo lãnh tối đa không quá 3% giá dự thầu đối với bảo lãnh dự thầu và tối đa không quá 15% giá trị hợp đồng xuất khẩu đối với bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Nhà XK được bảo lãnh phải trả phí bảo lãnh là 0,5%/năm trên giá trị bảo lãnh nhưng tối đa bằng 100 triệu đồng/1 hợp đồng bảo lãnh.

Nguồn: Chinhphu.vn

Đọc thêm