Theo đó, ngày 20/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định công nhận các di sản là văn hóa phi vật thể của các địa phương vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trong đó, Quảng Ninh có 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (TP.Móng Cái) và Lễ hội truyền thống đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn).
Được biết, Lễ hội đình Trà Cổ tổ chức vào 30/5 - 3/6 Âm lịch hàng năm với phần Lễ mục dục, Lễ rước cây đèn thần, các nghi lễ thỉnh sinh, rước kiệu và nghinh thần. Cùng với đó, là phần hội thi Ông Voi vô cùng đặc sắc, rộn ràng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...
Lễ hội đình Trà Cổ được xem là nét văn hóa đặc sắc vùng biên ải Quảng Ninh với phần hội thi Ông Voi. Làng sẽ chọn ra 12 cai đám, cho phép mỗi người nuôi một con lợn trong vòng 1 năm để thi. Con lợn được gọi là “Ông Voi”, được xem là con vật thiêng, dùng để tế thần.
Vào dịp lễ hội, các cai đám dùng cũi sơn đỏ, có mái che rước các ông voi ra đình chầu thần và thi. Ban Tổ chức sẽ dựa trên thông số số đo, cân nặng của 12 Ông Voi để bình xét Ông Voi đạt giải nhất. Ông Voi đạt giải cao nhất được lựa chọn để tế thần. Các cai đám, nhất là cai đám có Ông Voi thắng cuộc được khen thưởng và được dân làng kính trọng.
Lễ hội đình Quan Lạn được tổ chức vào trung tuần tháng 6 âm lịch hằng năm, nhằm mừng công, đón sắc của vua phong cho thành hoàng làng có công tiêu diệt giặc Nguyên năm 1288.
Như vậy, Quảng Ninh hiện có 6 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, bao gồm: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (TP Móng Cái); Lễ hội truyền thống đình Quan Lạn ( huyện Vân Đồn); Hát nhà tơ (hát cửa đình) ( TP Móng Cái); Then nghi lễ (huyện Bình Liêu), Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên) và Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả).