Phán xử của toà án ở Maldives trong vụ việc cô gái 15 tuổi bị cha dượng hãm hiếp đang đẩy chính phủ trên đảo quốc này vào tình thế khó xử bởi trên thế giới đã dậy lên làn sóng phản đối ngày càng mạnh mẽ.
90% thu nhập của Maldives được làm ra từ du lịch và những ngành kinh tế liên quan đến du lịch. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 2 triệu người trên thế giới cùng ký tên vào một khuyến nghị gửi tổng thống Maldives đề nghị can thiệp để huỷ bỏ bản án. Họ kêu gọi tất cả các hãng du lịch trên thế giới đưa vụ việc này vào tất cả các ấn phẩm và chương trình quảng bá du lịch để tẩy chay đảo quốc này cho tới khi huỷ bỏ bản án đã tuyên.
|
Hình minh họa |
Cô gái bị cha dượng xâm hại tình dục suốt nhiều năm, có thai và đứa bé bị chính người cha đẻ của nó và đồng thời cũng là cha dượng của mẹ nó giết chết.
Vậy mà người cha dượng không bị kết tội gì trong khi cô gái bị xét xử về tội “quan hệ ngoài hôn nhân với đàn ông”. Áp dụng luật của Đạo Hồi, toà án phạt cô gái 8 tháng tù giam lỏng ở nhà và bị đánh 100 roi khi tròn 18 tuổi. Nhiều quy định trong luật này bị dư luận chung trên thế giới coi là quá khắt khe, bất công đối với phụ nữ và thậm chí có phần cả vô nhân đạo.
Đã có luật thì việc thực thi và tuân thủ phải nghiêm minh. Nhưng trong trường hợp này, lợi cho luật thì lại hại cho quốc gia. Nếu làn sóng tẩy chay du lịch đảo quốc này tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì hậu quả về kinh tế sẽ trở nên thật sự khôn lường đối với Maldives.
Tòa phán xử theo luật lệ ở đây nhưng du khách nhận thức và cảm nhận theo hệ giá trị riêng của họ. Cho nên lẽ ra trước khi xét xử chứ không phải sau đó, tòa án và chính phủ Maldives phải suy tính sao cho đảm bảo việc thực thi luật phục vụ cho lợi ích của đất nước chứ không phải ngược lại.
Mạc Thầy