20 kỹ năng: P12 – Dây cua-roa kêu rít

Dây cua-roa trên xe ôtô nằm trong danh mục các phụ tùng được khuyến cáo cần kiểm tra thường xuyên và thay thế

Dây cua-roa trên xe ôtô nằm trong danh mục các phụ tùng được khuyến cáo cần kiểm tra thường xuyên và thay thế định kỳ. Một chi tiết đơn giản, rẻ tiền nhưng lại ảnh hưởng đến hàng loạt các hệ thống quan trọng khác của xe.

Dây cua-roa trên xe ôtô có vai trò dẫn động nhiều hệ thống, như bơm nước làm mát, lốc điều hòa nhiệt độ, máy phát điện, trợ lực phanh và bơm trợ lực lái. Một số loại xe chỉ dùng duy nhất một dây cua-roa lớn để dẫn động tất cả các hệ thống đó. Trong khi đó, có loại xe được thiết kế sử dụng 2 dây cua-roa, chia nhau nhiệm vụ dẫn động các hệ thống trên.

Với tầm quan trọng đó, bạn cần chú ý kiểm tra thường xuyên và thay thế định kỳ cho dù xe sử dụng một dây hay hai dây. Thông thường, các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc và sửa chữa xe hơi khuyên rằng cứ sau 6 – 8 vạn km thì bạn nên thay dây cua-roa một lần là tốt nhất. Tuy nhiên, thời điểm thay thế còn phụ thuộc vào điều kiện cũng như cường độ hoạt động của xe.

Dây cua-roa có tiếng kêu rít

Đó là biểu hiện điển hình đối với dây cua-roa trên xe ôtô sau một thời gian dài sử dụng và cũng là căn bệnh bình thường. Ngay sau khi khởi động máy, tiếng rít sẽ xuất hiện và mất đi sau khi động cơ chạy được khoảng 1 phút. Nguyên nhân có thể do dây cua-roa bị chai cứng hoặc bị trùng.

Ngay khi nhận thấy biểu hiện này, lái xe có thể mở ca-pô và quan sát quan sát tình trạng của dây cua-roa (nếu có thể). Với nguyên nhân thứ nhất, dây cua-roa nếu đã bị chai cứng sẽ có bề mặt bóng, không còn lỳ như khi còn mới, và có thể bị rạn nứt. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy bạn cần thay một chiếc dây cua-roa mới.

Còn nếu dây chưa có dấu hiệu chai cứng thì có thể có nguyên nhân thứ 2 là nó đã bị trùng. Với nhiều loại xe, việc siết căng dây đai khá đơn giản với một vài dụng cụ cơ bản, trong khi nhiều xe lại khá phức tạp. Nhưng lời khuyên tốt nhất cho bạn là hãy mang xe đến gara tin cậy để có cách xử lý phù hợp, bởi việc siết dây đai nếu căng quá sẽ làm cho vòng ổ bị trên các hệ thống mà nó dẫn động nhanh chóng bị mòn và chết, chi phí sẽ rất tốn kém.

Xử lý trường hợp bất thường

Đó là trường hợp khi động cơ hoạt động có phát tiếng kêu rít bất thường, nhưng bạn lại lầm tưởng đó là tiếng kêu phát ra từ dây cua-roa. Đó có thể là do một vòng bi của hệ thống nào đó có puli dẫn động bởi dây cua-roa bị “chết” hoặc bị bó. Trường hợp nặng là puli bị kẹt cứng không quay được, trong khi dây cua-roa vẫn trượt trên, gây phát sinh nhiệt và có thể làm đứt dây.

Để lường trước tình huống này, kinh nghiệm của nhiều tài già là tắt máy, dùng dung dịch dưỡng dây cua-roa hoặc nước xịt vào dây rồi khởi động lại. Nếu nguyên nhân do dây cua-roa bị chai thì tiếng kêu sẽ hết ngay, còn nếu tiếng kêu không hết thì cần nhanh chóng mang xe đến xưởng để xử lý. Xin hãy chú ý là việc dùng dung dịch dưỡng chỉ là giải pháp tạm thời, làm mềm dây và tăng độ bám chứ không có tác dụng làm phục hồi dây cua-roa.

Bài viết được thực hiện với sự hợp tác của Xưởng dịch vụ Ôtô Nam Trường Thành (NTT AUTO). Trung tâm sửa chữa số 1: Ngã 3 Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên – Cầu Giấy – Hà Nội. Trung tâm sửa chữa số 2: Số 106 Lê Trọng Tấn, La Khê, Hà Đông, Hà Nội. Website: www.nttgroup.com.vn

20 kỹ năng: P1 - Kiểm tra áp suất lốp xe

20 kỹ năng: P2 - Xe nổ lốp khi đang chạy

20 kỹ năng: P3 - 5 bước thay lốp dự phòng

20 kỹ năng: P4 - Dầu động cơ và nước làm mát

20 kỹ năng: P5 - Xe không khởi động được

20 kỹ năng: P6 – Thay bóng đèn pha bị cháy

20 kỹ năng: P7 – Nhận biết sự cố điều hòa

20 kỹ năng: P8 – Vệ sinh lọc gió động cơ

20 kỹ năng: P9 – Kiểm tra và thay bugi chết

20 kỹ năng: P10 – Đừng để ắc quy bị chết

20 kỹ năng: P11 – Chẩn bệnh hệ thống phanh

Đọc thêm