Yên Tử là địa linh, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của đức Vua Trần Nhân Tông- vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, đất nước sạch bóng quân thù, Ngài đã tự nguyện rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật khi mới 35 tuổi. Cách đây đúng 719 năm, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử tu hành, lấy Phật danh là Điếu Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nôi sản sinh ra Thiền phái Trúc Lâm – Đạo phật của Việt Nam.
Rất nhiều khách thập phương về Lễ hội Yên Tử |
Nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, nhiều công trình tôn tạo, nâng cấp đã và đang được triển khai với kinh phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó nổi bật là dự án Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với tổng số vốn đầu tư lên đến trên 2.000 tỷ đồng. Đây là một công trình kiến trúc mang đặc trưng nét văn hóa thời Trần với các hạng mục chính như cổng đón tiếp, khu Tuệ Tĩnh đường, sân khấu Lễ hội, sảnh đón tiếp, khu hội nghị hội thảo, khu hành hương, đường giao thông và cảnh quan. Công trình cơ bản đã hoàn thành một số hạng mục và đi vào hoạt động để phục vụ du khách...
Công trình rộng lớn gần 17ha tại chân núi Yên Tử sẽ phục vụ khách thập phương khi tới đây du xuân, lễ Phật |
Điểm nhấn của Trung tâm văn hoá Trúc Lâm chính là làng hành hương với 50 nóc nhà, khối nhà nghỉ, ẩm thực, hàng lưu niệm sẽ được đưa vào phục vụ trong dịp Hội Xuân Yên Tử 2018. Làng này mang phong cách hồn Việt, khái quát văn hóa nhà Trần, dáng dấp của điền trang thái ấp nhà Trần. Điểm nhấn của Làng hành hương là đình làng. Nơi này sẽ tổ chức các hoạt động nghệ thuật, các đêm diễn các tích truyện liên quan đến lịch sử, văn hóa thời Trần, ca ngợi Phật hoàng Trần Nhân Tông… Đây được xem là hoạt động giữ chân du khách khi nghỉ đêm tại Yên Tử.
Tại Yên Tử, nhiều dịch vụ mang hàm lượng văn hóa cao sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2018. Trong đó, có hạng mục Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong quần thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ tái hiện Không gian ký ức về Phật hoàng Trần Nhân Tông thông qua ba khu nhà, ứng với 3 giai đoạn trong cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Giai đoạn đầu là Phật hoàng sinh ra, lớn lên và lên làm vua; giai đoạn thứ 2 là ứng với làm vua và 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 và 3; giai đoạn thứ 3 là từ bỏ ngai vàng và lên Yên Tử tu hành, lập nên phật giáo Trúc Lâm.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết, Trung tâm văn hoá Trúc Lâm là một công mang đặc thù dáng dấp kiến trúc văn hóa dân tộc Việt, được kế thừa từ những tư tưởng, kiến trúc Nhà Trần.
Đặc biệt, kiến trúc Yên Tử dưới sự hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đây là bước tiếp theo của tư tưởng Phật hoàng và tư tưởng này sẽ được lan tỏa bằng việc tổ chức những nghi thức nghi lễ của giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo hội Quảng Ninh, thậm chí tương lai sẽ mở rộng đến các nghi thức nghi lễ, hội nghị của Phật giáo Quốc tế, nhằm lan tỏa tư tưởng Phật hoàng ra thế giới.
Bên cạnh đó, còn có dự án nâng cấp tuyến đường từ Dốc Đỏ đến Năm Mẫu, tuyến đường từ ngã tư Năm Mẫu đi Vàng Danh, kết nối với tuyến đường từ ngã tư Năm Mẫu đi Hồ Thiên tạo thành tuyến giao thông liên hoàn. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cáp treo của du khách trong mùa lễ hội, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã triển khai và đưa vào sử dụng dự án nâng công suất cáp treo I,II với số vốn đầu tư 600 tỷ đồng, nâng tổng công suất cáp treo lên 5000 khách/giờ.
Đến nay, công tác tổ chức Lễ hội Yên Tử năm nay được thành phố Uông Bí rà soát, chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng về mọi mặt không những tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và du khách khi về với Yên Tử, mà còn ghi dấu ấn mạnh mẽ cho sự kiện đầu tiên khởi động Năm Du lịch quốc gia 2018 Hạ Long - Quảng Ninh.