2009 và dấu ấn Chính phủ

2009 ghi nhận dấu ấn của Chính phủ trong lĩnh vực ngoại giao, khi lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết hoàn chỉnh vấn đề biên giới đất liền, trên cơ sở các văn kiện pháp lý rõ ràng. Việt Nam cũng đã bắt đầu có quyết tâm và những bước đi được quốc tế ghi nhận nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.

2009 ghi nhận dấu ấn của Chính phủ trong lĩnh vực ngoại giao, khi lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết hoàn chỉnh vấn đề biên giới đất liền, trên cơ sở các văn kiện pháp lý rõ ràng. Việt Nam cũng đã bắt đầu có quyết tâm và những bước đi được quốc tế ghi nhận nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.
 
 Nhưng hãy bắt đầu bằng những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chèo lái con thuyền đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng, suy thoái toàn cầu. 
 
 Ổn định kinh tế vĩ mô
 
  Kết thúc năm 2009 đầy sóng gió, có lẽ không quốc gia nào tự nhận mình đứng bên ngoài cuộc khủng hoảng, cũng như cho rằng mình đã thoát khỏi ảnh hưởng của suy thoái.
 
 Đây cũng được xem là năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng ở mức thấp nhất. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, dòng vốn đầu tư nước ngoài chững lại và hàng hóa trong nước có dấu hiệu suy giảm.
 
 Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%. Lạm phát được kiềm chế ở mức 6,52%.
 
 Trái ngược với những dự đoán bi quan của các chuyên gia kinh tế hồi đầu năm về nguy cơ phá sản của một loạt các doanh nghiệp và mất việc làm của hàng triệu người, đến nay, có thể nói đa số doanh nghiệp đã vượt qua được cơn sóng gió.
 
 Vượt bão an toàn – thành công ấy chứng tỏ Việt Nam có một sức phát triển tự thân năng động.
 
 Song không thể không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra những quyết sách kịp thời, phù hợp nhằm hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng.
 
 Các chính sách kích thích kinh tế cần thiết, kịp thời, hợp lý đã góp phần đáng kể giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng giảm phát, đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất.
 
 Gói kích thích kinh tế trị giá 8 tỷ USD theo cách làm riêng của Việt Nam đã nhanh chóng tác động tích cực tới nền kinh tế. Số việc làm mới được tạo ra cũng được tăng lên theo từng quý, thu nhập của người lao động cao hơn đã kéo theo sức cầu tiêu dùng phục hồi.
 
 

Các giải pháp kích thích kinh tế tiếp sức cho doanh nghiệp


 Tuy nhiên, nhiều hạn chế, bất cập trong khi triển khai các gói kích thích cũng đã được một số chuyên gia kinh tế và các ủy ban có trách nhiệm của Quốc hội cảnh báo.
 
 Điều đáng nói là Chính phủ đã tiếp thu, nghiên cứu và đưa ra những điều chỉnh cần thiết.
 
 Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Biện pháp nới lỏng thận trọng chính sách tiền tệ và hỗ trợ lãi suất tuy đã giúp nhiều doanh nghiệp, ngân hàng vượt qua khó khăn và có tác động lan toả đến toàn bộ nền kinh tế, nhưng khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ này của doanh nghiệp vừa và nhỏ, của các hộ nông dân còn bị hạn chế, thời gian thực hiện còn ngắn nên tác động chưa nhiều đến đầu tư trung và dài hạn để đổi mới thiết bị và công nghệ, tạo ra năng lực sản xuất mới".
 
 Hỗ trợ nông dân - đối tượng thiệt thòi nhất
 
 Cần nhấn mạnh, nông nghiệp nước ta nói chung, đặc biệt là nông dân nước ta nói riêng, đã góp phần cực kỳ quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên mọi phương diện và góp phần đưa đất nước vượt qua cơn suy thoái vừa qua
 
 Tuy nhiên, hiện nay họ lại là thành phần xã hội đang chịu nhiều thiệt thòi nhất trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và hội nhập kinh tế thế giới.
 
 Những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều phát biểu và các quyết sách thể hiện Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp và vai trò của người nông dân.
 
 Tại Festival lúa gạo lần đầu tiên được tổ chức tại Hậu Giang, ông đã khẳng định “Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ nỗ lực khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, đảm bảo đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực”.
 
 Một loạt các chính sách cũng được ban hành nhằm bảo vệ diện tích đất trồng lúa vốn đang bị xâm chiếm mạnh mẽ bởi các khu công nghiệp, khu đô thị mới trên cả nước.
 
 Giữa tháng 12 vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định về việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn.
 
 Khoản vay này sẽ dành tập trung hỗ trợ cho các ngành và lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, hoạt động khoa học công nghệ, thu mua và kinh doanh các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản, muối...
 
 Như vậy, sau khi các chính sách hỗ trợ kinh tế trong năm 2009 kết thúc cùng với đà phục hồi kinh tế, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục gói hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế phục hồi nhanh hơn, nhưng đã thu hẹp đối tượng và phạm vi. Gói hỗ trợ này được đánh giá là cần thiết, bởi hầu như trong suốt năm 2009, chính sách hỗ trợ nông dân theo Quyết định số 497 chưa phát huy được hiệu quả do làm chậm và nhiều quy định bất cập.
 
 Biên giới đất liền - kinh nghiệm giải quyết vấn đề Biển Đông
 
 Trong lĩnh vực ngoại giao, 2009 đã mở đầu bằng một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt - Trung: Sau 35 năm đàm phán và phân giới cắm mốc (1974-2009), hai nước đã ra Tuyên bố chung về hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đất liền vào những phút đầu tiên của năm mới.

Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Vũ Dũng và người đồng nhiệm
Trưng Quốc Vũ Đại Vỹ ký biên bản kết thúc phân giới, cắm mốc biên giới đất liền
Việt - Trung lúc 2h15' ngày 1/1/2009.


 
  Lần đầu tiên, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh, được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp lý được hai bên thống nhất và trên thực địa, có giá trị trường tồn với hai quốc gia, tạo điều kiện tăng cường giao lưu hữu nghị và phát triển hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... giữa hai nước.
 
 Đặc biệt, các lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần trực tiếp đến một số khu vực biên giới để khảo sát và tìm hiểu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân thôn bản vùng biên để từ đó có những chỉ đạo hết sức sát sao cho đoàn đàm phán. Chính phủ đã dành ưu tiên cao cả về nhân lực và tài chính cho công tác phân giới cắm mốc.
 
 Phát biểu tại lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt - Trung cuối tháng 2/2009 tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị quan, tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định: Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc là một thông điệp quan trọng khẳng định với thế giới mối quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
 
 Trong năm, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã thực hiện được mục tiêu ký ba văn kiện pháp lý quan trọng: Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
 
 Đây là những văn bản pháp lý cần thiết để hai nước thực hiện quản lý và bảo vệ đường biên, mốc giới theo hệ thống đường biên, mốc giới được hai bên phân giới, cắm mốc.
 
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm đồn biên phòng Tục Lãm,
tỉnh Quảng Ninh

 
 Cần biết rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc có ba vấn đề lịch sử để lại: Biên giới trên bộ, biên giới trong Vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông. Bằng việc kết thúc phân giới cắm mốc trên bộ, chúng ta đã giải quyết xong hai vấn đề đầu.
 
 Về vấn đề thứ ba, lần đầu tiên, một cuộc hội thảo mở bàn về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã được tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 3/2009. Hơn 70 nhà nghiên cứu của Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài, nghiên cứu của nhà nước và nghiên cứu độc lập tham dự.
 
 Đây là cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ một loạt các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thu thập, nghiên cứu tài liệu về Biển Đông, giúp tìm căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, giúp ích cho Việt Nam trong quá trình xử lý vấn đề biên giới trên biển.
 
 Và đúng như kỳ vọng của các nhà tổ chức cuộc gặp giữa tháng 3, vào cuối tháng 11, một hội thảo quốc tế về Biển Đông đã diễn ra tại Hà Nội, do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Sau 2 ngày bàn thảo, 500 đại biểu đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều học giả tên tuổi trong khu vực và trên thế giới, từ tất cả các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, đã đi đến kết luận: Tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp nhưng không có nghĩa là các bên không thể giải quyết được bằng luật pháp quốc tế.
 
 Nói như một chuyên gia đến từ Canada, 10-15 năm trước, khó ai dự đoán các nước trong khu vực có thể cùng ngồi lại để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Thế nhưng, bây giờ, việc thảo luận đã và đang diễn ra. "Chỉ trong vài năm, các nước đã tạo dựng được cơ chế hợp tác. Bây giờ, để đẩy nhanh hơn, mạnh hơn, các nước cần ngồi lại với nhau, gạt sang một bên những thành kiến, định kiến để thảo luận”.
 
 Các bài học trong giải quyết phân định Vịnh Bắc Bộ và biên giới đất liền sẽ là kinh nghiệm quý báu để tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, trên cơ sở vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng.
 
 Một thập kỷ mới bắt đầu với năm 2010 đang đặt Việt Nam đứng trước những lựa chọn mang tính chiến lược về tư duy phát triển và mô hình tăng trưởng. Những vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia tiếp tục đặt ra những thách thức mới. Song, với tư duy, mục tiêu và giải pháp được đề cập trong Thông điệp 2010 của Thủ tướng Chính phủ, có thể hy vọng đất nước sẽ dẻo dai vượt qua thử thách, đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển cao hơn, bảo vệ lợi ích chính đáng và chủ quyền quốc gia. Quyết tâm đó chắc chắn nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.

Nguồn: VietNamnet
 

Đọc thêm